Di chúc là văn bản thể hiện ý chí, nguyện vọng trong việc định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Vậy khi bố mẹ lập di chúc còn cần phải có sự đồng ý của các con hay không? Cha mẹ lập di chúc có cần chữ ký của tất cả các con không?
1. Quy định của pháp luật hiện hành về thừa kế theo di chúc:
Căn cứ theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc là văn bản hoặc lời nói thể hiện ý chí của cá nhân về việc chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác sau khi cá nhân đó chết.
Tuy bộ luật Dân sự hiện hành không nêu ra cụ thể khái niệm của thời kế theo di chúc nhưng có thể hiểu đơn giản, thừa kế theo di chúc là việc hưởng di sản thừa kế của người chết để lại theo sự định đoạt, ý chí, nguyện vọng của người để lại di sản thừa kế thông qua di chúc. Hoặc có thể hiểu đơn giản việc thừa kế theo di chúc là di chúc quy định như thế nào thì việc phân chia sẽ thực hiện như thế và những người có quyền thừa kế phải thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của di chúc đó.
Tuy nhiên, tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành cũng có quy định về những đối tượng được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật hoặc họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất thừa kế. Cụ thể là những đối tượng sau:
– Cha, mẹ, vợ, chồng và con chưa thành niên của người để lại di sản thừa kế;
– Con thành niên nhưng không có khả năng lao động của người để lại di sản thừa kế.
Lưu ý: Trong trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được đưa vào phân chia di sản thừa kế và được giao người đã được chỉ định trong di chúc quản lý việc thực hiện thờ cúng.
Như vậy, việc thừa kế theo di chúc cần lưu ý phân chia di sản thừa kế theo quy định trong di chúc, lưu ý đến những đối tượng hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc và di sản được đưa vào việc thờ cúng.
2. Cha mẹ lập di chúc có cần có sự đồng ý của các con không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển dịch tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Trong trường hợp này tài sản được gọi là di sản thừa kế. Theo đó, di sản thừa kế bao gồm cả tài sản riêng của người chết để lại và phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung với người khác.
Bên cạnh đó, di chúc mà cha mẹ để lại được công nhận là hợp pháp khi:
– Cha mẹ lập di chúc trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe doạ và cưỡng ép trong việc lập di chúc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội và thể hiện rõ việc định đoạt cụ thể tài sản thuộc sở hữu của mình cho người khác sau khi chết;
– Di chúc được lập theo đúng hình thức mà pháp luật quy định.
Như vậy, khi cha mẹ lập di chúc không cần phải có sự đồng ý của các con vẫn được xem là di chúc hợp pháp bởi vì cha mẹ là người có quyền định đoạt xem ai là người được hưởng di sản thừa kế mà mình để lại. Không ai được phép xâm phạm đến quyền định đoạt của người lập di chúc đối với tài sản mà mình để lại.
3. Cha mẹ lập di chúc có cần chữ ký của tất cả các con không?
Đối với câu hỏi “Cha mẹ lập di chúc có cần chữ ký của các con không?” thì luật LVN Group xin đưa ra câu trả lời như sau: Việc lập di chúc của cha mẹ không cần phải có chữ ký của tất cả các con, bởi vì:
– Thứ nhất, di chúc là sự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của người lập di chúc theo ý chí, nguyện vọng của người đó:
Theo như phân tích tại mục 2 của bài viết này thì di chúc là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng và sự định đoạt tài sản của người lập di chúc cho người khác sau khi chết. Và phần tài sản được định đoạt là quyền của một cá nhân đối với tài sản mình đang sở hữu riêng hoặc phần của mình trong khối tài sản sở hữu chung với người khác nên người lập di chúc không cần phải có sự đồng ý của người khác trong việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình.
– Thứ hai, các con không thuộc đối tượng được đóng vai trò là người làm chứng cho việc lập di chúc của bố mẹ:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, những người có quyền ký vào di chúc mà người lập di chúc để lại là người lập di chúc, người làm chứng và công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã (nếu có). Trong đó, công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải là những người có chứng chỉ hành nghề công chứng, chứng thực. Còn đối với người làm chứng sẽ chỉ đặt ra đối với việc người lập di chúc miệng theo quy định tại khoản 5 Điều 630 và Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo quy định, đối với những trường hợp lập di chúc cần có người làm chứng thì cần phải có ít nhất 02 người làm chứng xác nhận và ký tên trong di chúc của người lập di chúc. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc nhưng trừ những người sau đây không được thực hiện vai trò làm chứng:
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Theo quy định trên thì các con không được đóng vai trò là người làm chứng cho việc lập di chúc của bố mẹ nên các con không cần phải ký vào bản di chúc đó.
Như vậy, theo những phân tích trên thì bố mẹ lập di chúc không cần phải có chữ ký của tất cả các con.
4. Trình tự, thủ tục lập di chúc tại văn phòng công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường:
Hiện nay, nhiều người già khi muốn lập di chúc định đoạt quyền thừa kế cho những người được hưởng di sản mà mình để lại thường lựa chọn dịch vụ lập di chúc tại Văn phòng/ Phòng công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường. Việc sử dụng dịch vụ này hỗ trợ cho người già việc lập di chúc đáp ứng được các điều kiện về nội dung cũng như hình thứ để di chúc được lập ra được hợp pháp.
Theo đó, khi sử dụng dịch vụ lập di chúc này thì việc lập di chúc được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 636 Bộ luật Dân sự, cụ thể như sau:
– Bước 1: Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước mặt công chứng viên tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường;
– Bước 2: Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực thực hiện trách nhiệm ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố trước đó. Việc ghi chép nên được trình bày cụ thể, khoa học, rõ ràng để sau khi công bố bản di chúc sẽ dễ áp dụng, dễ hiểu;
– Bước 3: Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực đọc lại văn bản di chúc đã soạn thảo cho người lập di chúc nghe hoặc cho người đó tự đọc lại để người lập di chúc xác nhận lại nội dung của di chúc. Nếu người lập di chúc đồng ý với nội dung di chúc đã được soạn thảo thì sẽ ký và điểm chỉ vào bản di chúc đã thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của mình.
– Bước 4: Sau khi người lập di chúc xác nhận nội dung di chúc thì công chứng viên tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường sẽ ký và đóng dấu công chứng hoặc chứng thực vào bản di chúc đó.
Lưu ý: Nếu người lập di chúc không thể đọc hoặc không thể nghe được bản di chúc; không thể ký hoặc không thể điểm chỉ được vào bản di chúc thì phải có người làm chứng ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường. Theo đó, công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực cũng sẽ thực hiện công chứng hoặc chứng thực vào bản di chúc trước mặt người làm chứng.
Ngoài việc người lập di chúc đến trực tiếp tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường để thực hiện việc lập di chúc của mình thì có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc. Thủ tục lập di chúc tại chỗ ở cũng sẽ được thực hiện theo trình tự đã nêu trên.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Bộ luật Dân sự năm 2015.