Di chúc là văn bản thể hiện ý chí, nguyện vọng và sự định đoạt di sản thừa kế của người chết. Để di chúc được công nhận là hợp lệ thì có bắt buộc phải có người làm chứng không? Lập di chúc cần mấy người làm chứng? Ai được làm chứng?
1. Khi lập di chúc có bắt buộc phải có người làm chứng không?
Di chúc là văn bản hoặc lời nói thể hiện ý chí, nguyện vọng của một người trong việc định đoạt tài sản của mình sẽ thuộc quyền sở hữu của ai sau khi chết. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành thì di chúc có thể được thể hiện dưới 02 dạng sau: di chúc miệng và di chúc được lập thành văn bản. Theo đó, vấn đề người làm chứng chỉ được đặt ra đối với di chúc được lập thành văn bản.
Căn cứ theo quy định tại Điều 633 và Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc bằng văn bản được chia thành hai loại cụ thể sau:
– Di chúc được lập thành văn bản không có người làm chứng theo quy định tại Điều 633 Bộ luật Dân sự năm 2015:
Trong trường hợp không có người làm chứng này thì người lập di chúc sẽ phải tự lập và ký vào bản di chúc mình lập.
Trong trường hợp này, việc lập di chúc sẽ phải tuân thủ theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2015 về nội dung di chúc ( thời gian lập di chúc, thông tin của người lập di chúc, thông tin của cá nhân- tổ chức được hưởng di sản thừa kế, di sản thừa kế để lại và nơi có di sản) cũng như các yêu cầu về việc nội dung trong di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu. Khi lập di chúc định đoạt di sản thừa kế có nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Nếu trong di chúc có sự tẩy xoá, sửa chữa thì người lập di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa đó.
– Di chúc được lập thành văn bản có người làm chứng theo quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015:
Việc lập di chúc bằng văn bản cần phải có người làm chứng khi người lập di chúc không thể tự mình viết di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy. Trong trường hợp này, người lập di chúc sẽ phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng. Sau đó những người làm chứng cho việc lập di chúc trong trường hợp này cũng xác nhận vào di chúc bằng chữ ký, điểm chỉ.
Lưu ý: để bảo đảm tính pháp lý, tránh xảy ra những tranh chấp của những người có quyền thừa kế theo di chúc thì người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực vào bản di chúc theo quy định tại Điều 635 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Như vậy, khi lập di chúc không bắt buộc phải có người làm chứng nếu người lập di chúc có thể tự mình viết bản di chúc đó. Nếu người lập di chúc đánh máy di chúc hoặc nhờ người khác soạn thảo giúp mình bản di chúc thì mới bắt buộc phải có người làm chứng theo quy định pháp luật.
2. Lập di chúc cần mấy người làm chứng? Ai được làm chứng?
Như đã trình bày tại mục 1 của bài viết này, việc lập di chúc không bắt buộc phải có người làm chứng. Việc yêu cầu có người đứng ra làm chứng trong buổi lập di chúc chỉ đặt ra đối với trường hợp người lập di chúc không thể tự viết tay mà tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết tay hoặc đánh máy bản di chúc theo quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Đối với trường hợp bắt buộc phải có người làm chứng khi lập di chúc nêu trên thì cần phải có ít nhất 02 người làm chứng và những người làm chứng đó phải xác nhận vào bản di chúc về việc công nhận bản di chúc đó được lập hoàn toàn theo ý chí, nguyện vọng của người lập di chúc thông qua chữ ký và điểm chỉ.
Vậy khi lựa chọn người làm chứng cho việc lập di chúc thì cần lưu ý những gì? Ai được làm chứng cho việc lập di chúc này?
Căn cứ theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tất cả mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc nhưng trừ những trường hợp sau:
– Người có quyền thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Như vậy, ngoài 03 nhóm người trên thì người lập di chúc có thể yêu cầu những người khác đến làm chứng cho việc lập di chúc của mình nhưng tối thiểu phải có 02 người làm chứng.
3. Lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng không công chứng, chứng thực có được không?
Theo quy định tại Điều 635 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc đã lập. Theo quy định này có thể thấy việc công chứng hoặc chứng thực vào bản di chúc không phải là yếu tố bắt buộc phải có trong một bản di chúc. Tuy nhiên, để bảo đảm về mặt pháp lý cũng như hạn chế được những tranh chấp trong việc phân chia di sản thừa kế của những người có quyền hưởng di sản thừa kế sau này, Luật LVN Group cho rằng người lập di chúc nên yêu cầu công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường công chứng hoặc chứng thực vào bản di chúc đã lập.
Để bảo đảm về mặt hình thức cũng như chặt chẽ về mặt nội dung của di chúc thì người có nguyện vọng lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường ghi chép nội dung di chúc và thực hiện công chứng hoặc chứng thực vào bản di chúc đó. Theo đó, việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 636 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:
– Bước 1: Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước mặt công chứng viên tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường;
– Bước 2: Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực thực hiện trách nhiệm ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố trước đó. Việc ghi chép nên được trình bày cụ thể, khoa học, rõ ràng để sau khi công bố bản di chúc sẽ dễ áp dụng, dễ hiểu;
– Bước 3: Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực đọc lại văn bản di chúc đã soạn thảo cho người lập di chúc nghe hoặc cho người đó tự đọc lại để người lập di chúc xác nhận lại nội dung của di chúc. Nếu người lập di chúc đồng ý với nội dung di chúc đã được soạn thảo thì sẽ ký và điểm chỉ vào bản di chúc đã thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của mình.
– Bước 4: Sau khi người lập di chúc xác nhận nội dung di chúc thì công chứng viên tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường sẽ ký và đóng dấu công chứng hoặc chứng thực vào bản di chúc đó.
Tại khoản 2 Điều 636 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đưa ra lưu ý đối với việc lập bản di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường: Nếu người lập di chúc không thể đọc hoặc không thể nghe được bản di chúc; không thể ký hoặc không thể điểm chỉ được vào bản di chúc thì phải có người làm chứng ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường. Theo đó, công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực cũng sẽ thực hiện công chứng hoặc chứng thực vào bản di chúc trước mặt người làm chứng.
Ngoài việc người lập di chúc đến trực tiếp tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường để thực hiện việc lập di chúc của mình thì có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc. Thủ tục lập di chúc tại chỗ ở cũng sẽ được thực hiện theo trình tự đã nêu trên.
Tuy nhiên, tại Điều 637 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định một số trường hợp sẽ không được công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã công chứng, chứng thực di chúc như sau:
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
– Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
– Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Bộ luật Dân sự năm 2015.