Ly hôn là một lựa chọn, cũng có thể hiểu là một quyền lợi của những người trong quan hệ hôn nhân khi không còn tiếng nói chung trong hôn nhân, cuộc sống hôn nhân không đạt được mục đích. Vậy cần những điều kiện gì để có thể yêu cầu giải quyết ly hôn? Ly hôn với người đã rời khỏi nơi cư trú, người bị mất tích thì được thực hiện như thế nào?
1. Quy định của pháp luật hiện hành về ly hôn:
Căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì ly hôn được quy định là việc chấm dứt mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng theo Bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 57 Luật này cũng quy định về việc quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án hoặc quyết định ly hôn của Toà án có hiệu lực pháp luật.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì có 02 hình thức ly hôn, bao gồm:
– Thuận tình ly hôn: Cả hai vợ, chồng đều quyết định ly hôn và đã thoả thuận được với nhau về vấn đề trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con chung; phân chia tài sản chung, công nợ chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Khi đó cả hai vợ, chồng sẽ nộp đơn và yêu cầu Toà án công nhận thuận tình ly hôn;
– Đơn phương ly hôn: Chỉ có vợ hoặc chông yêu cầu ly hôn khi thấy cuộc sống hôn nhân không còn tiếng nói chung, quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng không thể duy trì…Khi đó một bên có nhu cầu ly hôn sẽ nộp hồ sơ đến Toà án nơi người còn lại cư trú, làm việc và yêu cầu giải quyết các vấn đề về hôn nhân: công nhận ly hôn, phân chia người nuôi con, phân chia tài sản chung, công nợ chung trong thời kỳ hôn nhân.
2. Ly hôn với người đã rời khỏi nơi cư trú, người bị mất tích thực hiện như thế nào?
2.1. Ly hôn với người đã rời khỏi nơi cư trú:
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nơi cư trú được xác định là nơi cá nhân thường xuyên sinh sống. Còn tại Điều 11 Luật Cư trú năm 2020 thì nơi cư trú của công dân được xác định bao gồm cả nơi thường trú và nơi tạm trú. Như vậy, nơi cư trú của công dân có thể được xác định là nơi người đó thường xuyên sinh sống hoặc có thể là nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người đó. Cụ thể:
– Là chỗ ở hợp pháp mà công dân thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú:
+ Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
+ Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
+ Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.
Vậy việc ly hôn với người đã rời khỏi nơi cư trú được thực hiện như thế nào?
Trước tiên, khi yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn trong bất kể trường hợp nào thì nguyên đơn yêu cầu cũng phải chuẩn bị hồ sơ yêu cầu đơn phương ly hôn. Cụ thể bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn khởi kiện đơn phương ly hôn;
– Bản sao Căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng;
– Bản chính Giấy đăng ký kết hôn của hai vợ chồng;
– Trích lục bản sao Giấy khai sinh của con chung (nếu có con chung)
– Giấy tờ chứng minh về tài sản chung của hai vợ chồng (nếu có).
Sau khi chuẩn bị hồ sơ yêu cầu giải quyết đơn phương ly hôn với người đã rời khỏi nơi cư trú thì việc ly hôn sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục như thế nào?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, nếu nguyên đơn yêu cầu đơn phương ly hôn không biết nơi cư trú của bị đơn thì nguyên đơn có thể nộp hồ sơ và yêu cầu Toà án nhân dân cấp quận/ huyện nơi cư trú cuối cùng của bị đơn hoặc nơi bị đơn có tài sản để giải quyết. Như vậy, trong trường hợp muốn ly hôn với người đã rời khỏi nơi cư trú, không xác định được hiện tại người đó đang cư trú ở đâu thì nguyên đơn có thể nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn tại Toà án nhân dân cấp quận/ huyện nơi cư trú cuối cùng của bị đơn.
Khi được Toà án nhân dân cấp quận/ huyện đó chấp nhận thì Toà án sẽ tiến hành giải quyết ly hôn theo trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Kết quả là Bản án ly hôn gửi về cho các bên đương sự có liên quan.
2.2. Ly hôn với người bị mất tích:
Trong trường hợp Toà án không chấp nhận yêu cầu và không thụ lý hồ sơ khởi kiện đơn phương ly hôn với người đi khỏi nơi cư trú thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án tuyên bố người đó mất tích để được công nhận ly hôn sau này. Trình tự, thủ tục ly hôn với ngừoi bị mất tích được thực hiện như sau:
2.2.1. Bước 1: Yêu cầu Toà án tuyên bố vợ hoặc chồng mất tích:
Tuy nhiên, để tuyên bố một người mất tích thì phải đảm bảo được những điều kiện mà pháp luật quy định. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì điều kiện để yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất tích là:
– Người đó đã đi biệt tích 02 năm liền trở lên;
– Đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật Tố tụng Dân sự hiện hành nhưng vẫn không có tin tức xác thực nào về việc người đó còn sống hay đã chết.
Khi đáp ứng được 02 điều kiện trên thì người có quyền và lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố người đó mất tích. Theo đó, người có quyền và lợi ích liên quan sẽ chuẩn bị hồ sơ yêu cầu gồm đầy đủ giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích;
– Tài liệu, chứng cứ chứng minh người được yêu cầu tuyên bố là mất tích đã đi biệt tích từ 02 năm trở lên mà không có tin tức gì về người đó đang còn sống hay là đã chết;
– Tài liệu, chứng cứ chứng minh người yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất tích đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo về về tìm kiếm.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ giấy tờ, tài liệu trên thì người có quyền và lợi ích liên quan sẽ nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân nơi cư trú cuối cùng của người được yêu cầu tuyên bố là mất tích. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Toà án có thẩm quyền sẽ ra quyết định thông báo tìm kiếm người mất tích. Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày đăng tải thông báo lần đầu mà vẫn không có thông tin của người được tìm kiếm thì trong vòng 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo, Toà án phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan.
Khi đơn được xét duyệt thì Toà án sẽ ra quyết định tuyên bố người vợ/ chồng đó mất tích. Người còn lại sẽ sử dụng quyết định này để làm căn cứ ly hôn với người bị mất tích.
2.2.2. Bước 2: Yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn với người mất tích:
Sau khi có quyết định của Toà án về việc tuyên bố vợ hoặc chồng mất tích thì người còn lại có quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn với người đã được Toà án tuyên bố là mất tích. Theo đó, trước khi yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn thì người còn lại cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn khởi kiện đơn phương ly hôn;
– Bản sao Căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng;
– Bản chính Giấy đăng ký kết hôn của hai vợ chồng;
– Trích lục bản sao Giấy khai sinh của con chung (nếu có con chung)
– Giấy tờ chứng minh về tài sản chung của hai vợ chồng (nếu có);
– Quyết định tuyên bố một người mất tích có hiệu lực của Toà án.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ giấy tờ, tài liệu nêu trên thì người còn lại có yêu cầu giải quyết ly hôn sẽ nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân cấp quận/ huyện nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì trường hợp ly hôn với người được Toà án tuyên bố là mất tích được xác định là trường hợp không thể tiến hành hoà giải. Do đó, khi hồ sơ yêu cầu hợp lệ, Toà án sẽ tiến hành thụ lý và đưa vụ án ra xét xử luôn mà không qua các công đoạn hoà giải. Từ đó, Toà án sẽ ra bản án ly hôn công nhận về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng có người bị mất tích.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Luật Cư trú năm 2020.