Công ty không tăng lương như thỏa thuận, có bị phạt không?

Tăng lương là vấn đề được người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận với nhau tại Hợp đồng lao động. Theo đó, các bên sẽ thực hiện theo cam kết về thời hạn tăng lương theo đúng quy định tại Hợp đồng lao động đó. Vậy trong trường hợp Công ty không tăng lương như thỏa thuận, có bị phạt không?

1. Quy định về tiền lương:

Căn cứ theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 thì tiền lương được quy định là số tiền mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động theo thoả thuận của hai bên để người lao động thực hiện công việc được giao. Theo đó, tiền lương mà người lao động nhận được bao gồm mức lương theo công việc hoặc theo chức danh, phụ cấp lương và các khoản tiền bổ sung khác theo quy định.

Lưu ý, theo quy định tại khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 này thì mức lương thoả thuận mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu mà pháp luật quy định. Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định cụ thể tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP và được áp dụng từ ngày 01/7/2022 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh.

Bên cạnh đó, tại Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương cho người lao động theo đúng nguyên tắc sau:

Thứ nhất, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn cho người lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động có lý do không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động uỷ quyền nhận lương hợp pháp;

Thứ hai, người sử dụng lao động không được can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động, không được hạn chế việc chi tiêu của người lao động;

Thứ ba, người sử dụng lao động không được ép buộc người lao động chi tiêu tiền lương của mình vào việc mua sắm hàng hoá hay sử dụng dịch vụ mà người sử dụng lao động cung ứng hoặc của đơn vị cung ứng khác theo chỉ định của người sử dụng lao động.

2. Công ty có bắt buộc phải nâng lương cho người lao động không?

Theo như quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định hướng dẫn về chế độ nâng bậc, nâng lương cho người lao động được thực hiện theo thoả thuận của người sử dụng lao động và người lao động về điều kiện nâng lương, thời gian nâng lương, mức lương sau khi nâng bậc – nâng lương của người lao động. Hoặc việc nâng lương cho người lao động được thực hiện theo thoả ước lao động tập thể, theo nội quy của phía người sử dụng lao động. 

Theo đó, việc nâng lương cho người lao động theo thoả thuận là điều bắt buộc thực hiện để các bên thực hiện nghĩa vụ và được hưởng quyền theo các điều khoản quy định tại hợp đồng lao động. Việc tăng lương cho người lao động sẽ thực hiện theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng. Nếu người lao động đủ điều kiện tăng lương như thoả thuận, đến thời gian nâng lương thì sẽ được hưởng mức lương mới, cao hơn so với mức lương cũ.

Bên cạnh đó, việc nâng lương cũng có thể được áp dụng theo quy định của thoả ước lao động tập thể, quy định của phía người sử dụng lao động. Nếu người lao động đủ điều kiện nâng lương theo quy định của công ty thì công ty phải thực hiện nâng lương cho người lao động theo đúng quy chế. 

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có quy định nào bắt buộc công ty phải tăng lương hằng năm cho người lao động. Việc có tăng lương hay không, tăng vào thời điểm nào sẽ được các bên căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể, quy chế riêng do người sử dụng lao động ban hành.

3. Công ty không tăng lương như thỏa thuận, có bị phạt không?

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện theo hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động. Như vậy, nếu đã thoả thuận với người lao động về chế độ tăng lương thì người sử dụng lao động phải thực hiện theo đúng quy định tại hợp đồng lao động đã thoả thuận và ký kết giữa hai bên. Nếu công ty không thực hiện tăng lương cho người lao động theo đúng thoả thuận đã nêu giữa hai bên thì phía người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ hợp đồng lao động.

Theo đó, khi người lao động vi phạm nghĩa vụ đã nêu trong Hợp đồng lao động thì dẫn đến hậu quả là người lao động không được bảo vệ quyền lợi, không được trả đủ lương theo đúng thoả thuận. Do đó, trong trường hợp này, nếu người sử dụng lao động không chứng minh được việc người lao động không đủ điều kiện tăng lương theo thoả thuận trong Hợp đồng lao động mà vẫn không thực hiện tăng lương cho người lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Mức xử phạt đối với người sử dụng lao động vi phạm chế độ tiền lương:

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không tăng lương cho người lao động theo thoả thuận đã nêu trong Hợp đồng lao động được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.  Tuỳ thuộc vào số lượng người lao động bị xâm phạm quyền lợi- không được tăng lương theo đúng thoả thuận giữa hai bên thì người sử dụng lao động sẽ bị áp dụng mức phạt tương ứng. Theo đó, mức tiền xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể như sau:

– Có từ 01 – 10 người lao động bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 05 đến 10 triệu đồng;

– Có từ 11 – 50 người lao động bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 10 đến 20 triệu đồng;

– Có từ 51 – 100 người lao động bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 20 đến 30 triệu đồng;

– Có từ 101 – 300 người lao động bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 30 đến 40 triệu đồng;

– Có từ 301 người lao động trở lên bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 40 đến 50 triệu đồng.

Lưu ý: Mức tiền xử phạt được quy định ở trên được áp dụng cho cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức vi phạm thì mức tiền xử phạt vi phạm sẽ tăng lên gấp đôi so với cá nhân. Cụ thể mức phạt xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân như sau:

– Có từ 01 – 10 người lao động bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 10 đến 20 triệu đồng;

– Có từ 11 – 50 người lao động bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 20 đến 40 triệu đồng;

– Có từ 51 – 100 người lao động bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 40 đến 60 triệu đồng;

– Có từ 101 – 300 người lao động bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 60 đến 80 triệu đồng;

– Có từ 301 người lao động trở lên bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 80 đến 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động không được phép trả lương cho người lao động với mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP. Nếu việc chi trả lương, tăng lương cho người lao động thấp hơn lương tối thiểu vùng người người sử dụng lao động bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể mức tiền xử phạt vi phạm đối với người sử dụng lao động trong trường hợp này được quy định như sau:

– Có từ 01 – 10 người lao động bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 20 đến 30 triệu đồng;

– Có từ 11 – 50 người lao động bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 30 đến 50 triệu đồng.

– Có từ 51 người lao động trở lên bị vi phạm quyền lợi thì công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 50 đến 75 triệu đồng.

Bên cạnh đó, người lao động còn được chi trả số tiền chưa được nhận tương ứng cùng lãi theo quy định của pháp luật hiện hành.

Lưu ý: Mức tiền xử phạt được quy định ở trên được áp dụng cho cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức vi phạm thì mức tiền xử phạt vi phạm sẽ tăng lên gấp đôi so với cá nhân.

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:

– Bộ luật Lao động năm 2019;

– Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/6/2022 Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động;

– Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/1/2022 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành ngày 12/11/2020 Hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.

Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com