Xe công nông, máy cày là phương tiện được sử dụng để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Công nông, máy kéo vẫn được xác định là một loại phương tiện giao thông và có sử dụng nhiên liệu để vận hành. Vậy người điều khiển công nông, máy cày thì có cần có giấy phép lái xe không?
1. Xe công nông, máy cày là gì?
Xe công nông, máy cày được xác định là một loại máy kéo được sử dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT thì máy kéo được quy định là một loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, đây là loại xe có bốn bánh xe dùng để kéo một rơ móoc chở hàng.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT cũng quy định về loại máy kéo nhỏ. Máy kéo nhỏ là một loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ. Loại xe này được liên kết với thùng chở hàng qua khớp nối của xe và được điều khiển bằng vô lăng hoặc càng lái. Máy kéo nhỏ là phương tiện có 04 bánh nhưng thực tế chỉ có 02 bánh của đầu kéo và 02 bánh của thùng hàng kéo.
Theo đó, công nông, máy cày là một loại máy kéo nhỏ có thể kéo trọng tải đến 1.000 kg khi kéo theo rơ moóc lưu thông trên đường bộ.
2. Quy định về giấy phép lái xe hiện nay:
Giấy phép lái xe được hiểu là một loại chứng chỉ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép người điều khiển phương tiện giao thông điều khiển một số loại phương tiện tương ứng với hạng bằng được cấp.
Giấy phép lái xe chỉ được cấp cho những người có đầy đủ điều kiện được cấp theo quy định pháp luật và có nhu cầu đăng ký tham gia học để thi cấp bằng lái. Đây là một loại giấy tờ cần phải có đối với người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông đường bộ.
Căn cứ theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Điều 16 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT thì hiện nay, bằng lái xe có tất cả 10 loại sau:
– Thứ nhất, bằng lái xe hạng A1 áp dụng với các trường hợp sau:
+ Người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
+ Người khuyết tật lái xe mô tô ba bánh dành cho người khuyết tật.
– Thứ hai, bằng lái xe hạng A2 áp dụng với trường hợp sau: Người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;
– Thứ ba, bằng lái xe hạng A3 áp dụng với trường hợp sau: Người lái xe để điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự;
– Thứ tư, bằng lái xe hạng A4 áp dụng với trường hợp: Người lái xe các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1000kg;
– Thứ năm, bằng lái xe ô tô hạng B1 là bằng lái xe được cấp cho dòng xe ô tô chạy số tự động và được cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
+ Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
+ Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg – Ô tô dùng cho người khuyết tật.
+ Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
+ Ô tô tải, kể cả ôtô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg
+ Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
– Thứ sáu, bằng lái xe ô tô hạng B2 được cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
+ Người lái xe ô tô 4 – 9 chỗ, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn;
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
– Thứ bảy, bằng lái xe hạng C là loại bằng lái xe ô tô được cấp cho những trường hợp sau:
+ Người lái xe ô tô từ 4 – 9 chỗ, ô tô tải kể cả ô tô tải chuyên dùng và ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500kg trở lên;
+ Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.
– Thứ tám, bằng lái xe hạng D là loại bằng lái xe ô tô được cấp cho những trường hợp sau:
+ Ô tô chở người từ 10 – 30 chỗ, kể cả chỗ của người lái xe;
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C.
– Thứ chín, bằng lái xe hạng E là loại bằng lái xe ô tô được cấp cho những trường hợp sau:
+ Người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ;
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D. Người có giấy phép lái xe các hạng B1, B2, C, D và E khi điều khiển các loại xe tương ứng được kéo thêm một rơ moóc có trọng tải thiết kế không quá 750 kg.
– Thứ mười, bằng lái xe hạng F là loại bằng lái xe ô tô được cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ôtô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ôtô khách nối toa, được quy định cụ thể như sau:
+ Bằng lái xe hạng FB2: người lái các loại xe theo quy định hạng B2 kéo theo rơ moóc
+ Bằng lái xe hạng FC: người lái xe các loại xe theo quy định hạng C kéo theo rơ moóc
+ Bằng lái xe hạng FD: người lái xe các loại xe theo quy định hạng D kéo theo rơ moóc
+ Bằng lái xe hạng FE: người lái xe các loại xe theo quy định hạng E kéo theo rơ moóc.
3. Điều khiển công nông, máy cày có cần giấy phép lái xe không?
Như đã phân tích tại mục 1 của bài viết này thì công nông, máy cày được xác định là những loại máy kéo nhỏ phục vụ trong sản xuất nông nghiệp. Vậy khi điều khiển những phương tiện này thì người điều khiển có cần phải có Giấy phép lái xe không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 12/2017/TT- BGTVT thì người điều khiển máy kéo nhỏ tuỳ vào trọng tải sẽ phải đảm bảo có một trong các loại bằng sau:
– Theo khoản 4 Điều 16 Thông tư này thì người lái xe điều khiển các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1000 kg thì phải có giấy phép lái xe hạng A4;
– Theo khoản 6 Điều 16 Thông tư này thì người lái xe không hành nghề lái xe điều khiển máy kéo một rơ móoc có trọng tải thiết kế dưới 2500 kg thì phải có giấy phép lái xe hạng B1;
– Theo khoản 7 Điều 16 Thông tư này thì người lái xe hành nghề lái xe điều khiển máy kéo một rơ móoc có trọng tải thiết kế dưới 3500 kg thì phải có giấy phép lái xe hạng B2.
Như vậy, theo quy định trên thì người điều khiển xe công nông, máy cày cần phải có giấy phép lái xe hạng A4 để phục vụ cho nông nghiệp. Tuy nhiên, người điều khiển công nông, máy kéo khi được cấp bằng A4 thì phải lưu ý về thời hạn của giấy phép lái xe. Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT thì giấy phép lái xe hạng A4 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.
4. Xử phạt vi phạm đối với người điều khiển xe công nông, máy cày không có giấy phép lái xe:
Người điều khiển xe công nông, máy kéo sử dụng cho sản xuất nông nghiệp phải đảm bảo có Giấy phép lái xe hạng A4. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trường hợp lái xe công nông, máy cày để phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp đều không đảm bảo điều kiện về bằng lái xe.
Theo đó, người vi điều khiển xe công nông, máy cày (máy kéo) không có giấy phép lái xe thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP. Cụ thể tại điểm b khoản 11 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt vi phạm đối với hành vi này là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng.
Trong trường hợp nếu người điều khiển xe công nông, máy cày có bằng lái xe nhưng quên mang theo khi tham gia giao thông đường bộ thì thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức thấp hơn. Cụ thể theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì trường hợp này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng.
Bên cạnh đó, khi khi điều khiển công nông, máy cày tham gia giao thông mà người lái xe không có bằng lái thì cảnh sát giao thông có quyền tạm giữ xe trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm là 07 ngày. Tuy nhiên, một số hành vi vi phạm giao thông có tình tiết phức tạp cần phải có thêm thời gian để tiến hành xác minh thì cảnh sát giao thông có thể tạm giữ phương tiện lên đến 30 ngày.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
– Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020;
– Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
– Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/12/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng;
– Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 15/4/2017 Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.