Dừng xe có phải bật xi nhan không? Mức xử phạt không bật?

Hiện nay, theo quy định của Luật giao thông đường bộ khi dừng xe phải bật xi nhan. Vậy với hành vi không bận mức phạt ra sao? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:

1. Dừng xe có phải bật xi nhan không? 

Mục đích của việc lắp đèn xi nhan trên phương tiện giao thông hiện nay là dùng để xin đường, hay còn gọi là báo cho người khác khi tham gia phương tiện giao thông xin đường để chuyển hướng hoặc rẽ hoặc trong các trường hợp khác như xin vượt, chuyển làn, cảnh báo nguy hiểm…

Như vậy, khi thực hiện bật xi nhan sẽ giúp cho việc tham gia giao thông an toàn, tránh va chạm với các xe khác.

Màu đèn xi-nhan truyền thống và gần như là mặc định trên xe máy và ô tô là màu vàng. Tuy nhiên thực tế một số loại xe sử dụng màu đỏ cho đèn xi-nhan.

Hiện nay, theo quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định trong một số trường hợp người điều khiển xe sẽ phải sử dụng tín hiệu báo (bật xi nhan) trong các trường hợp sau:

– Vượt xe: xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ tối đến 5 giờ sáng chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn (theo Khoản 1 Điều 14 Luật giao thông đường bộ 2008).

– Chuyển làn đường: khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn (theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật giao thông đường bộ 2008).

– Chuyển hướng xe: khi muốn chuyển hướng thì người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ (Khoản 1 Điều 15 Luật giao thông đường bộ 2008).

– Lùi xe: người điều khiển xe khi lùi xe phải quan sát và có tín hiệu cần thiết để báo hiệu (Khoản 1 Điều 16 Luật giao thông đường bộ 2008).

– Dừng xe: người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.

– Đỗ xe: khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.

Do đó, khi dừng xe là trường hợp bắt buộc phải xi nhan đối với ô tô.

Ngoài ra, theo khuyến nghị của Cục Cảnh sát giao thông, tài xế nên bật đèn xi nhan để báo hiệu cho các phương tiện khác trong những trường hợp khi đi qua một số đoạn đường, cung đường như: khi đi qua vòng xuyến; khi đi theo đường cong; khi lùi vào ngõ hay khi qua ngã ba chữ Y,…

2. Các trường hợp xử phạt với lỗi không bật xi nhan: 

2.1. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: 

– Dừng, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết: xử phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

– Hành vi không có đèn tín hiệu báo trước khi chuyển làn đường: phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

– Hành vi chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức): phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.

(căn cứ tại điểm c Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

– Hành vi lùi xe không có đèn tín hiệu báo trước: phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.

(căn cứ tại điểm o Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

– Khi vượt xe mà không có báo hiệu khi vượt: xử phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.

(căn cứ tại điểm d Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

– Chuyển làn đường không có đèn tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc: xử phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.

(căn cứ tại điểm g Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Đồng thời còn bị tước Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng.

2.2. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: 

– Hành vi chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước: xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

(điểm i Khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

– Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ: xử phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

(điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

2.3. Xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: 

– Hành vi lùi xe không có tín hiệu báo trước: phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

(điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

– Không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết khi dừng xe, đỗ xe: xử phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

(điểm g Khoản 2 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

– Hành vi chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc: xử phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.

(tại điểm d Khoản 4 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra còn bị tước Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng giao thông đường bộ 01 – 03 tháng.

3. Quy định phải bật xi nhan trước khi rẽ bao nhiêu mét? 

Hiện nay trong các quy định của luật giao thông không có quy định rõ ràng khoảng cách cần bật trước đèn xi nhan cụ thể là bao nhiêu khi thực hiện rẽ hay chuyển hướng,…Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong khoảng cách lưu thông, người điều khiển phương tiện có thể căn cứ theo giáo trình đào tạo lái xe ô tô thì tín hiệu báo trước hướng rẽ nên bật trước với khoảng cách 30 mét sẽ đảm bảo an toàn nhất. Còn đối với xe máy, khoảng cách nên giao động từ 10-15 mét.

Còn trường hợp người tham gia giao thông bật đèn xi nhan với khoảng cách lớn hơn mặc dù không phạm luật nhưng sẽ gây cản trở cho những người khác trên đường hoặc bật xi nhan ở khoảng cách ngắn hơn, mang tính chất đột ngột thì những người điều khiển phương tiện xung quanh sẽ không kịp nhường đường cho xe của bạn.

Vì vậy, đặc biệt khi tham gia điều khiển xe máy, ô tô trong thành phố những nơi có dân cư đông đúc, người lái xe nên đảm bảo bật đèn xi nhan khi có ý định chuyển hướng trước khoảng 30 mét là hợp lý và đảm bảo an toàn nhất.

4. Quy trình xử phạt đối với hành vi vi phạm dừng xe không thực hiện bật xi nhan: 

– Cán bộ cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe và thông báo lỗi:

Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ được ra hiệu lệnh dừng xe. Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông của Cảnh sát giao thông được thực hiện thông qua một trong các tín hiệu hoặc kết hợp đồng thời các tín hiệu như còi, gậy chỉ huy giao thông hoặc các tín hiệu khác theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện thông báo và đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống phương tiện và xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định.

– Cảnh sát giao thông thực hiện chào hỏi:

Cảnh sát giao thông phải tiến hành chào hỏi theo Điều lệnh Công an nhân dân.

Hoặc thực hiện chào bằng lời nói như “Chào ông, bà, anh, chị…Yêu cầu ông, bà, anh, chị… cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”.

– Thực hiện kiểm tra các giấy tờ:

Khi tiếp nhận được các giấy tờ (nếu có), thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông và những người trên phương tiện giao thông biết lý do kiểm soát, sau đó thực hiện kiểm soát những nội dung quy định

– Tiến hành xử phạt vi phạm giao thông:

Khi tiến hành kiểm tra giấy tờ xong, cán bộ Cảnh sát giao thông báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả cũng như hành vi vi phạm giao thông, các biện pháp xử lý.

Sau đó sẽ phải nói lời “Cảm ơn ông, bà, anh, chị,… đã hợp tác với lực lượng Cảnh sát giao thông để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.

Theo quy định của Luật giao thông, hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông bao gồm:

– Hình thức xử phạt không lập biên bản.

– Hình thức xử phạt lập biên bản.

CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT: 

Luật giao thông đường bộ 2008

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com