Rừng là một loại tài nguyên vô cùng quan trọng trong môi trường sống của con người. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng được Nhà nước đặt ra rất chặt chẽ. Vậy với hành vi cho thuê rừng trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
1. Các loại đất rừng:
Đất rừng là một khái niệm thông dụng trong thường ngày quen thuộc với chúng ta. Đất rừng là một trong những loại đất chiếm đến ¾ diện tích đất cả nước, một con số chứng tỏ chiếm tỷ lệ rất lớn và quan trọng trong điều kiện tự nhiên của Việt Nam. Hiện nay, theo quy định về luật đất đai năm 2013, đất rừng bao gồm:
– Đất rừng sản xuất: là loại đất sử dụng với mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
– Đất rừng phòng hộ: là loại rừng được sử dụng nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống hiện tượng xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống việc sa mạc hóa, hạn chế các thiên tai, góp phần điều hòa khí hậu, không khí, bảo vệ …
– Đất rừng đặc dụng: là rừng được sử dụng chủ yếu với mục đích để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen thực vật động vật rừng hay nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, phục vụ nghỉ ngơi du lịch.
2. Điều kiện cho thuê đất rừng hiện nay:
Căn cứ theo quy định tại Điều 188 Luật đất đai 2013 và theo hướng dẫn tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai, điều kiện chung để thực hiện việc cho thuê đất bao gồm:
– Đất phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất.
– Đất phải đảm bảo điều kiện không có tranh chấp xảy ra.
– Quyền sử dụng đất không mang ra kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Đất phải còn trong thời hạn sử dụng đất.
3. Hành vi cho thuê rừng trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?
Trách nhiệm pháp lý đối với trường hợp chuyển nhượng đất rừng trái phép (chuyển nhượng đất rừng khi không đảm bảo điều kiện, trình tự, thủ tục luật định) có thể là trách nhiệm pháp lý dân sự hoặc hành chính hoặc hình sự.
3.1. Xử phạt hành chính:
Hiện nay cho thuê đất rừng trái pháp luật có thể kể đến việc cho thuê đất rừng rồi sử dụng đất trái với mục đích. Cụ thể căn cứ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, việc sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định, bao gồm:
* Hành vi chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp sẽ bị xử phạt như sau:
– Trường hợp diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
– Trường hợp diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
– Trường hợp diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
– Trường hợp diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta trở lên: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
* Hành vi chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp thì xử phạt như sau:
– Trường hợp diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
– Trường hợp diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
– Trường hợp diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
– Trường hợp diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta: Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
– Trường hợp diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
– Trường hợp diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
– Trường hợp diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta trở lên: Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 250 triệu đồng.
* Hành vi chuyển đất rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác:
Mức xử phạt sẽ bằng 02 lần mức phạt tương ứng với từng trường hợp chuyển mục đích trong các trường hợp trên.
* Ngoài việc xử phạt bằng tiền như trên, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
– Phải buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
– Đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất sẽ buộc phải thực hiện đăng ký đất đai.
– Phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
3.2. Trách nhiệm pháp lý dân sự:
– Hợp đồng chuyển nhượng đất rừng trái phép là một trong những căn cứ có thể bị Tòa án nhân dân tuyên vô hiệu. Theo nguyên tắc xử lý hợp đồng vô hiệu, hậu quả pháp lý là hai bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.
3.3. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Ngoài ra, người có chức vụ quyền hạn mà lạm dụng hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện cho phép cho thuê đối với đất rừng trái pháp luật thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Đây là một trong những loại tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, cụ thể như sau:
– Mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Trường hợp đối tượng nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi cho thuê đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2).
+ Trường hợp đất rừng có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng.
+ Trước đó đã bị xử lý kỷ luật hành vi đó rồi còn mà còn vi phạm.
– Mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Thực hiện hành vi có tổ chức.
+ Đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2).
+ Đất rừng có giá trị được quy thành tiền từ 2 tỷ đồng đến dưới 7 tỷ đồng.
+ Thực hiện hành vi gây ra hậu quả làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Mức phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
+ Đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên.
+ Đất rừng có giá trị quyền sử dụng đất quy thành tiền từ 7 tỷ đồng trở lên.
– Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy thì đối với các hành vi liên quan đến vi phạm về quản lý đất đai thì có thể bị xử lý hình sự, tùy thuộc vào mức độ phạm tội mà có những khung hình phạt khác nhau đối với mỗi cá nhân phạm tội. Tùy vào mực độ phạm tội mà cá nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc là bị phạt hành chính.
4. Những chính sách tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng:
Hiện nay, Thủ tướng đcó ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg vào ngày 18 tháng 05 năm 2022 với mục đích đề xuất những biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể như sau:
– Thực hiện quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
– Các ban ngành đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là diện tích rừng do Uỷ ban nhân dân cấp xã đang quản lý, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
– Với những hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý hay bảo vệ rừng cần phát hiện kịp thời và ngăn chặn.
– Đề xuất những biện pháp xử lý nghiêm khắc để mang tính chất răn đe trên tinh thần đảm bảo môi trường quản lý rừng một cách văn mình, công bằng.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Luật đất đai 2013.