Khai nhận di sản thừa kế là công việc mà những người có quyền thừa kế thực hiện khai nhận quyền thừa kế di sản mà người chết để lại. Việc khai nhận di sản thừa kế được thực hiện tại các văn phòng công chứng có thẩm quyền công chứng văn bản. Vậy Mức lệ phí công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế hiện nay được quy định là bao nhiêu?
1. Thế nào là công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế?
Khai nhận di sản thừa kế là việc xác lập quyền tài sản đối với di sản thừa kế của người có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật tại thời điểm mở thừa kế sau khi người để lại di sản thừa kế chết.
Công chứng văn bản khi nhận di sản thừa kế được hiểu là thủ tục công chứng văn bản xác nhận những người có quyền thừa kế và những di sản mà những người đó được thừa hưởng từ người chết để lại. Những người có tên trong văn bản để lại di sản sẽ được thừa kế số tài sản đó và phải thực hiện các thủ tục công chứng để hợp pháp hóa quyền thừa kế.
2. Mức lệ phí công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế:
Công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế là việc người yêu cầu công chứng sử dụng dịch vụ công chứng. Do đó, khi sử dụng dịch vụ này thì người yêu cầu phải chi trả thù lao công chứng và lệ phí công chứng theo quy định pháp luật.
Thù lao công chứng được hiểu là khoản tiền bồi dưỡng, bù đắp cho công sức thực hiện dịch vụ của công chứng viên. Căn cứ theo quy định tại Điều 67 Luật Công chứng năm 2014 thì người sử dụng dịch vụ công chứng phải chi trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch thuật giấy tờ văn bản và những văn bản khác có liên quan đến việc công chứng. Trong hoạt động khai nhận di sản thừa kế thì thù lao công chứng được xác định là thù lao của người yêu cầu chi trả cho tổ chức hành nghề công chứng soạn thảo Văn bản khai nhận di sản thừa kế và những thủ tục có liên quan đến việc công chứng văn bản này.
Bên cạnh việc chi trả thù lao công chứng cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện soạn thảo văn bản và những dịch vụ khác có liên quan đến công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế thì người có yêu cầu công chứng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo mức phí, lệ phí được quy định. Căn cứ theo quy định tại điểm a4 khoản 2 Điều 4 Thông tư số 257/2016/TT-BTC thì mức thi lệ phí công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản thừa kế được tính theo giá trị di sản. Cụ thể, mức thu đối với từng mức giá trị tài sản được ban hành tại Thông tư số 257/2016/TT-BTC như sau:
TT |
Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
Mức thu (đồng/trường hợp) |
1 |
Dưới 50 triệu đồng |
50 nghìn |
2 |
Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng |
100 nghìn |
3 |
Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng |
0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
4 |
Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng |
01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng |
5 |
Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng |
2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng |
6 |
Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng |
3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng |
7 |
Từ trên 10 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng |
5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng. |
8 |
Trên 100 tỷ đồng |
32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp). |
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì mức thu lệ phí công chứng sẽ được áp dụng theo quy định tại bảng tính lệ phí trên. Mức thu này được áp dụng thông nhất đối với tất cả các Văn phòng công chứng và Phòng công chứng. Đối với Văn phòng công chứng thực hiện mức thu lệ phí theo quy định tại Thông tư số 257/2016/TT-BTC đã nêu trên thì đã tính bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Trình tự, thủ tục yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế:
Để khai nhận di sản thừa kế, để hợp thức hoá quyền sở hữu di sản mà người chết để lại thì người có quyền thừa kế sẽ thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế theo trình tự, thủ tục sau:
3.1. Người yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế chuẩn bị hồ sơ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng năm 2014 thì những người có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc/ theo hàng thừa kế pháp luật quy định sẽ lập hồ sơ khai nhận di sản thừa kế bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng cung cấp;
– Giấy tờ chứng minh người lập di chúc để lại di sản thừa kế đã chết như giấy chứng tử, giấy báo tử, bản án tuyên bố một người đã chết,…;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với di sản thừa kế phân chia theo di chúc là bất động sản;
Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản khác được dùng để phân chia di sản thừa kế;
– Giấy tờ tùy thân của người thừa kế theo di chúc như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu còn hiệu lực,..;
– Di chúc có hiệu lực đối với việc phân chia di sản thừa kế theo di chúc;
– Những giấy tờ khác chứng minh quan hệ giữa người để lại di chúc phân chia di sản thừa kế và người hưởng di sản thừa kế như giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh,…) đối với trường hợp thừa kế theo quy định của pháp luật.
3.2. Nộp hồ sơ khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền:
Căn cứ theo quy định tại mục 2 Chương V của Luật Công chứng năm 2014 thì việc khai nhận di sản thừa kế theo di chúc phải được tiến hành làm thủ tục khai nhận tại tổ chức hành nghề công chứng nơi có bất động sản để lại.
Theo đó, khi chuẩn bị hồ sơ yêu cầu khai nhận di sản thừa kế gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu trên thì người thừa kế theo di chúc sẽ nộp hồ sơ tại văn phòng công chứng nơi có bất động sản được đưa vào phân chia di sản. Công chứng viên tại tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra tính hợp pháp, đầy đủ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa bảo đảm tính hợp pháp thì công chứng viên có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người yêu cầu khai nhận di sản thừa kế theo di chúc sửa đổi và bổ sung để hồ sơ bảo đảm tính hợp lệ. Nếu hồ cơ đã hợp lệ thì công chứng viên tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo quy định của pháp luật.
3.3. Xử lý hồ sơ yêu cầu khai nhận di sản thừa kế:
Việc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP. Công chứng viên ra thông báo để niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản thừa kế. Lưu ý, trong trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản thừa kế thì việc niêm yết sẽ được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân nơi tạm trú cuối cùng có thời hạn của người đó. Trong trường hợp, di chúc để lại di sản thừa kế có nhiều di sản là bất động sản ở nhiều địa phương thì thực hiện niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn nơi có bất động sản đó.
Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường/ thị trấn có trách nhiệm xác nhận và bảo quản văn bản khai nhận di sản thừa kế được niêm yết trong thời hạn 15 ngày. Nếu sau 15 ngày niêm yết mà không có tranh chấp xảy ra thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ thực hiện thủ tục công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế để người được hưởng di sản có thể làm thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu sang cho mình.
3.4. Người thừa kế thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với di sản thừa kế:
Trong trường hợp di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thì người thừa kế phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai. Tuy nhiên, trước khi đăng ký biến động đất đai thì người thừa kế phải làm hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất sau khi có Văn bản khai nhận di sản thừa kế có công chứng, chứng thực. Cụ thể hồ sơ gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
– Các giấy tờ chứng minh về quyền thừa kế quyền sử dụng đất như Di chúc và văn bản khai nhận di sản thừa kế có công chứng;
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng của người để lại di sản thừa kế là quyền sử dụng đất;
– Giấy tờ chứng minh người lập di chúc để lại di sản thừa kế đã chết như giấy chứng tử, giấy báo tử, bản án tuyên bố một người đã chết,…;
– Tờ khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà đất;
– Giấy tờ tuỳ thân của người đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất như: Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ trên thì người thừa kế thực hiện thủ tục đăng ký sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký biến động đất đai thuộc Phòng Tài nguyên và môi trường của Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản. Sau khi hoàn tất thủ tục thì người thừa kế sẽ được nhận Giấy chứng nhận đứng tên mình theo quy định của pháp luật hiện hành.
Lưu ý: Đối với những trường hợp quan hệ của người để lại di sản thừa kế và người hưởng di sản thừa kế có quan hệ vợ chồng, bố mẹ con, anh chị em ruột,… thì được miễn nghĩa vụ tài chính, nộp thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Công chứng năm 2014;
– Nghị định số 29/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/3/2015 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;
– Thông tư số 257/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 11/11/2016 Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên.