Thực phẩm chức năng là loại thực phẩm hỗ trợ sức khoẻ, đề kháng của con người. Hiện nay, chúng ta dễ dạng bắt gặp những thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng trên khắp các phương tiện quảng cáo. Những thông tin quảng cáo đó có những thông tin đúng và cũng có một số thông tin lệch lạc, sai sự thật. Vậy Mức xử phạt các vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng được quy định như thế nào?
1. Thực phẩm chức năng được quy định như thế nào?
Thực phẩm chức năng (tên tiếng Anh là Functional Foods) là loại thực phẩm có tác dụng bổ trợ cho cơ thể con người những loại vitamin, khoáng chất thiết yếu. Từ đó tăng sức đề kháng cho cơ thể, ngăn việc thiếu hụt dinh dưỡng và hỗ trợ cho sự phát triển, tăng trưởng cho con người. Theo đó, thực phẩm chức năng là một loại sản phẩm có lợi cho sức khoẻ con người, được hiện hữu dưới dạng bột, dạng viên nén,..hoặc những dạng khác nên rất dễ sử dụng và ngày càng nhiều người có nhu cầu sử dụng.
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì hiện nay, thực phẩm chức năng được phân chia thành 03 loại thực phẩm chính sau:
– Thực phẩm chức năng bảo vệ sức khoẻ con người (Health Supplement, Dietary Supplement);
– Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt;
– Thực phẩm chức năng dùng cho mục đích y tế đặc biệt (thực phẩm dinh dưỡng).
2. Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc quảng cáo thực phẩm chức năng?
Việc quảng cáo thực phẩm chức năng là đem đến những thông tin, tác dụng của thực phẩm chức năng đem đến cho người tiêu dùng. Hơn nữa, thực phẩm chức năng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người sử dụng nên những thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng cũng phải đảm bảo tính chính xác và hợp lệ.
Theo đó, tại điểm đ khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo năm 2012, được quy định chi tiết tại Điều 5 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì việc quảng cáo thực phẩm chứng năng phải đảm bảo những điều kiện về nội dung quảng cáo như sau:
– Nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải phù hợp với Giấy tiếp nhận Bản công bố hợp quy sản phẩm hoặc Giấy xác nhận phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp;
– Việc quảng cáo thực phẩm chức năng dưới bất kỳ hình thức nào (dạng báo nói, báo hình, báo điện từ, poster quảng cáo,…) phải đảm bảo có các nội dung cơ bản sau:
+ Thông tin về tên thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm;
+ Thông tin của cá nhân, cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trong việc đưa thực phẩm chức năng ra thị trường tiêu dùng.
+ Tác dụng của thực phẩm chức năng đối với người tiêu dùng, bao gồm tác dụng chính và cả tác dụng phụ (nếu có);
+ Khuyến cáo đặc thù của thực phẩm chức năng: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Dòng chữ này trên sản phẩm phải được viết rõ ràng, dễ đọc và có màu sắc tương phản với màu nền của thực phẩm chức năng. Khuyến cáo này nhằm phục vụ cho việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải thể hiện rõ ràng để không gây nhầm lẫn đó là thuốc chữa bệnh. Lưu ý, đối với việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng quảng cáo ngắn chỉ dưới 15 giây thì không phải đọc chuyến cáo này nhưng phải thể hiện rõ nội dung khuyến cáo trong nội dung quảng cáo.
Như vậy, để việc quảng cáo thực phẩm chức năng được thực hiện hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật thì những cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm chức năng khi quảng cáo cần phải lưu ý thực hiện theo quy định đã nêu trên. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Mức xử phạt các vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng:
Nếu các cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm chức năng và thực hiện quảng cáo không tuân thủ quy định được nêu ra tại Luật quảng cáo hiện hành cũng như Nghị định hướng dẫn luật quảng cáo thì tuỳ vào mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra thì hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể mức xử phạt đối với các vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng được quy định như sau:
3.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng:
Hiện nay, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng được quy định và điều chỉnh bởi nhiều Nghị định như: Nghị định 158/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực, văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 38/2021/NĐ-CP và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo. Một số nghị định đã hết hiệu lực một phần, một số nghị định được sửa đổi nhưng đối với hành vi vi phạm về quảng cáo thì mức xử phạt vi phạm vẫn được quy định cụ thể và áp dụng ổn định như sau:
– Phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ mà không ghi hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc quảng cáo mà không thể hiện nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”;
– Phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng thiếu một số nội dung bắt buộc theo quy định của luật quảng cáo và nghị định hướng dẫn như đã phân tích ở mục 2 của bài viết này;
– Phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây ra hiểu lầm cho người tiêu dùng, khiến cho người tiêu dùng nghĩ nó có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn vị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Một số hình phạt bổ sung được áp dụng bao gồm:
– Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng;
– Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm từ 02 lần trở lên trong vòng 06 tháng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 6 Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
– Đối với hành vi quảng cáo không đầy đủ nội dung theo quy định và quảng cáo gây hiểu lầm thì cá nhân, tổ chức vi phạm buộc cải chính thông tin quảng cáo;
– Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quảng cáo không đầy đủ nội dung theo quy định và quảng cáo gây hiểu lầm.
3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng:
Đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm về quảng cáo, thực hiện quảng cáo gian dối gây ra hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể mức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo nội dung này như sau:
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với người thực hiện quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ (thực phẩm chức năng) khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quảng cáo gian dối theo quy định đã phân tích tại mục 3.1. của bài viết này;
– Đã bị kết án về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt trên thì người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Luật Quảng cáo năm 2012;
– Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo;
– Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo;
– Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 02/2/2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
– Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29/3/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo;
– Nghị định số 129/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.