Lập hóa đơn đầu vào và một trong những điều bắt buộc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động mua bán, kinh doanh. Vậy với hành vi khi bán hàng không có hóa đơn GTGT đầu vào thì bị xử phạt ra sao? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
1. Các loại hóa đơn giá trị gia tăng:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 51/2010/NĐ-CP, hóa đơn được hiểu là một chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin của hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ trên cơ sở quy định của pháp luật. Hóa đơn phải đảm bảo đúng hình thức, nội dung quy định mới được coi là hóa đơn hợp pháp.
Trong các hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn giá trị gia tăng chính là một loại chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho bên mua, sử dụng dịch vụ theo phương pháp khấu trừ.
Hóa đơn thể hiện thông qua các hình thức sau:
– Hóa đơn tự in: đây là loại hóa đơn do các tổ chức kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
– Hóa đơn điện tử: là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành.
– Hóa đơn đặt in: hóa đơn do các tổ chức đặt in theo mẫu để sử dụng cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hoặc do cơ quan thuế đặt in theo mẫu để cấp, bán cho các tổ chức, hộ, cá nhân.
2. Mức xử phạt khi bán hàng không có hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào?
Việc thực hiện hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa không tiến hành kê khai lập hóa đơn đầu vào là một trong những hành vi bất hợp phát theo pháp luật quy định về thuế và hóa đơn. Căn cứ tại Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về việc lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể như sau:
– Với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
(theo Khoản 5 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP).
Như vậy, khi bán hàng không có hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào sẽ bị xử phạt mức tiền như trên.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức còn bị xử phạt mức phạt khác tương ứng với những lỗi khác vi phạm trong việc lập hóa đơn, bao gồm:
– Áp dụng hình phạt cảnh cáo:
+ Lập hóa đơn không đúng thời điểm, tuy nhiên hậu quả gây ra không đến mức làm chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ.
+ Tiến hành lập hóa đơn liên tục từ số nhỏ đến số lớn nhưng khác quyển, cụ thể là dùng quyển có số thứ tự lớn hơn và chưa dùng quyển có số thứ tự nhỏ hơn và tổ chức, cá nhân sau khi phát hiện ra đã hủy các quyển hóa đơn có số thứ tự nhỏ hơn.
+ Lập sai loại hóa đơn theo quy định đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế. Tuy nhiên trước khi cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế bên bán và bên mua phát hiện việc lập sai loại hóa đơn và lập lại loại hóa đơn đúng theo quy định và không ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế.
– Áp dụng phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng:
+ Không thực hiện lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
+ Đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất mà không lập hóa đơn.
– Áp dụng phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng:
Khi lập hóa đơn nhưng không đúng thời điểm, tuy nhiên vẫn chưa dẫn đến làm chậm thực hiện nghĩa vụ thuế.
– Áp dụng phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng:
+ Trên cơ sở theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà thực hiện lập hóa đơn không đúng thời điểm.
+ Lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo quy định.
+ Thực hiện lập hóa đơn ghi ngày trên hóa đơn trước ngày mua hóa đơn của cơ quan thuế.
+ Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã tiến hành giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế.
+ Khi chưa có thông báo chấp thuận của cơ quan thuế hoặc trước ngày cơ quan thuế chấp nhận việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế mà đã thực hiện lập hóa đơn điện tử.
+ Trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh mà thực hiện lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ (ngoại trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh).
+ Lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không có kết nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
– Áp dụng phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng:
Khi có hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định.
– Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện lập hóa đơn theo đúng quy định.
3. Quy định về xuất hóa đơn giá trị gia tăng:
3.1. Trường hợp bắt buộc phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, người bán phải tiến hành lập hóa đơn để giao cho người mua khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Cụ thể bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ.
Theo đó, thời điểm lập hóa đơn được quy định như sau:
– Đối với bán hàng hóa: thời điểm lập hóa đơn chính là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
– Đối với việc cung cấp dịch vụ: thời điểm lập hóa đơn chính là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Tuy nhiên, với trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ, khi đó thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền.
– Đối với trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc thực hiện bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ: tiến hành lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng theo mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao.
– Ngoài ra trong một số trường hợp cụ thể còn có quy định về thời điểm lập hóa đơn khác nhau theo đúng quy định của luật.
(quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ).
3.2. Trường hợp không cần phải xuất hóa đơn giá trị giá tăng:
– Tổ chức hoặc cá nhân nhận các khoản thu bồi thường bằng tiền, tiền hỗ trợ, tiền thưởng, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng.
(theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC).
– Các trường hợp đơn vị kinh doanh tự sản xuất, xây dựng tài sản cố định nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh chịu thuế giá trị gia tăng thì khi hoàn thành, nghiệm thu hay bàn giao, không cần phải lập hóa đơn.
Các trường hợp xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, mượn, trả lại, nếu có đầy đủ hợp đồng và các chứng từ liên quan thì đơn vị kinh doanh không phải lập hóa đơn, tính và nộp thuế giá trị gia tăng.
(theo quy định tại Thông tư 119/2014/TT-BTC).
– Không phải lập hóa đơn và không phải nộp thuế giá trị gia tăng trong trường hợp xuất hàng hóa luân chuyển hay tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ
Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC và 78/2014/TT-BTC để cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.