Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại

Khi có tranh chấp trong thương mại xảy ra, các bên thường lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng việc thoả thuận, giải quyết bằng trọng tài thương mại hoặc giải quyết tranh chấp tài Toà án. Vậy khi các bên có tranh chấp trong thương mại xảy ra muốn lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thì cần đáp ứng những điều kiện nào? Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại được quy định như thế nào?

1. Thế nào là trọng tài thương mại?

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được xác định là một trong bốn phương thức giải quyết tranh chấp (thương lượng, hoà giải, trọng tài và toà án). Theo đó, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là hình thức giải quyết tranh chấp được nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn để giải quyết tranh chấp do có nhiều ưu điểm, không phức tạp về thủ tục và giấy tờ như việc giải quyết bằng tranh chấp tại Toà án.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì trọng tài thương mại được xác định là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên có tranh chấp thoả thuận lựa chọn giải quyết và được tiến hành giải quyết theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. 

Việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong thương mại bằng hình thức trọng tài thương mại thì phải đảm bảo nguyên tắc giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Cụ thể các nguyên tắc được quy định như sau:

– Trọng tài viên khi giải quyết tranh chấp phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thoả thuận đó không vi phạm những điều cấm của luật và không trái với đạo đức xã hội;

– Trọng tài viên khi giải quyết tranh chấp thương mại phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân thủ theo các nguyên tắc pháp luật đặt ra;

– Các bên tranh chấp thương mại đều có được bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ. Theo đó, khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài thương mại thì Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên tranh chấp được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình;

– Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;

– Phán quyết của trọng tài thương mại là chung thẩm.

2. Các hình thức trọng tài thương mại hiện nay:

Theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì trọng tài thương mại bao gồm:

– Trọng tài quy chế (khoản 6 Điều 3) được xác định là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và quy tắc tố tụng, điều lệ riêng được đặt ra của Trung tâm trọng tài giải quyết. Theo đó, hoạt động tố tụng của trọng tài thương mại đối với hình thức này được thực hiện bởi các trọng tài viên của trung tâm trọng tài đó;

– Trọng tài vụ việc (khoản 7 Điều 3) được xác định là hình thức giải quyết tranh chấp thương mại theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận. Theo đó, trọng tài vụ việc được giải quyết nhanh chóng và ít tốn kém, sau khi giải quyết xong thì tự động giải tán. Khác với hình thức trọng tài quy chế, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại phải thực hiện theo nguyên tắc tố tụng cũng như điều lệ mà Trung tâm trọng tài đặt ra thì đối với trọng tài vụ việc thì các bên có quyền thoải mái hơn trong việc xác định quy tắc tố tụng để tiến hành giải quyết tranh chấp thương mại giữa các bên.

3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại được thực hiện theo hai trường hợp sau:

3.1. Thứ nhất, tranh chấp thương mại phát sinh thuộc loại tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài thương mại theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010:

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại được quy định trong các trường hợp sau:

– Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Đối với trường hợp này thì các bên khi có tranh chấp xảy ra thì các bên đó đều phải có hoạt động thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 với tiêu chí hoạt động thương mại vì mục đích sinh lời. Theo đó, chủ thể của hoạt động thương mại bao gồm cả thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài. Hoạt động thương mại không chỉ được xác định là hoạt động của thương nhân mà còn bao gồm cả hoạt động của các cá nhân được pháp luật cho phép mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và các hoạt động thương mại khác nhằm mục đích sinh lời nhưng không phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

–  Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động th­ương mại. Trong trường hợp này, khi tranh chấp xảy ra thì chỉ cần một bên tranh chấp có hoạt động thương mại, bên còn lại tham gia với mục đích phi lợi nhuận, có nghĩa bên còn lại không phải là thương nhân cũng không phải là cá nhân thực hiện hoạt động thương mại. Theo quy định này thì dù tranh chấp xảy ra không phát sinh từ hoạt động thương mại của tất cả các bên tranh chấp nhưng trong quan hệ tranh chấp thì có một bên hoạt động thương mại và hành vi trong giao dịch của chủ thể này là hành vi thương mại hoặc tranh chấp đó có liên quan đến hoạt động thương mại thì được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại;

– Tranh chấp khác mà pháp luật quy định đư­ợc giải quyết tại trọng tài. Trong trường hợp này thì chỉ cần pháp luật chuyên ngành quy định cho phép cá bên tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại.

Như vậy, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại hơn so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Theo đó, sự mở rộng quy định về thẩm quyền này tạo nên sự thống nhất, tương thích trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 cũng như các văn bản pháp luật chuyên ngành khác. Từ đó tạo nên sự đồng bộ, dễ áp dụng trong thực tiễn giải quyết tranh chấp.

3.2. Thứ hai, trọng tài thương mại được áp dụng giải quyết khi các bên có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài có hiệu lực thi hành:

Thẩm quyền của trọng tài thương mại trong trường hợp này phụ thuộc vào ý chí, sự thoả thuận của các bên khi xảy ra tranh chấp. Theo đó, thoả thuận trọng tài được xác định là việc các bên thoả thuận với nhau về việc giải bằng Trọng tài thương mại khi có tranh chấp xảy ra. việc thoả thuận giữa các bên phải được xác lập dưới hình thức văn bản thông qua các điều khoản trong hợp đồng hoặc bằng hình thức thoả thuận riêng khác. Như vậy, thoả thuận trọng tài thương mại có hiệu lực thi hành khi:

–  Hiệu lực của thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hiệu lực của hợp đồng. Theo đó, nếu hợp đồng chính thoả thuận các điều khoản về thương mại của các bên vô hiệu thì vẫn không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của thoả thuận trọng tài, không ảnh hưởng đến tiến trình tố tụng bằng trọng tài thương mại;

–  Hiệu lực của thoả thuận trọng tài thương mại đối với những chủ thể có liên quan. Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài vẫn giữ nguyên dù hợp đồng giao kết giữa các bên vô hiệu. Theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì khi các bên tranh chấp có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại nhưng nếu một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lí, trừ thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được;

–  Hiệu lực của thoả thuận trọng tài khi có sự thay đổi của một bên. Theo đó, sau khi thoả thuận trọng tài của các bên được xác lập thì vẫn có thể có sự thay đổi của một bên. Khi có sự thay đổi của một bên thì quy định về thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực thi hành theo quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Cụ thể như sau:

+ Một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực thi hành đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của cá nhân thoả thuận bị mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;

+ Một bên tham gia thoả thuận trọng tài thương mại là tổ chức phải chấm dứt hoạt động thương mại, bị phá sản, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi hình thức tổ chức,… thì thoả thuận trọng tài thương mại vẫn có hiệu lực thi hành với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đã thoả thuận trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com