Điều kiện, kinh nghiệm và thủ tục thành lập công ty Logistics

Logistics là một ngành đang phát triển tại Việt Nam bởi nhu cầu mua bán, vận chuyển hàng hoá của người dân. Vậy làm thể nào để có thể thành lập công ty và kinh doanh dịch vụ Logistics? Điều kiện, kinh nghiệm và thủ tục thành lập công ty Logistics?

1. Thế nào là dịch vụ Logistics?

Căn cứ theo quy định tại Điều 233 Luật Thương mại năm 2005 thì dịch vụ Logistíc được quy định là một hoạt động thương mại. Theo quy định này thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics sẽ thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm:

– Nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi;

– Làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác;

– Tư vấn khách hàng sử dụng dịch vụ;

– Đóng gói hàng hoá, ghi ký hiệu- mã hiệu;

– Giao hàng;

– Thực hiện các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo sự thoả thuận giữa bên cung ứng dịch vụ logistics và khách hàng sử dụng dịch vụ.

2. Điều kiện thành lập công ty Logistics:

Công ty Logistics là công ty kinh doanh dịch vụ Logistics. Do đó, để thành lập công ty Logistic thì không chỉ đảm bảo về điều kiện thành lập doanh nghiệp nói chung mà còn phải đáp ứng được các điều kiện về kinh doanh dịch vụ Logistics nói riêng. Cụ thể như sau:

2.1. Đáp ứng các điều kiện thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Để được cấp giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty Logistics phải đáp ứng được những điều kiện sau:

– Điều kiện về tên công ty: Tên công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đây. Tên công ty viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố: “Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng”;

– Địa chỉ công ty phải ở Việt Nam, có địa chỉ rõ ràng, có chức năng kinh doanh thương mại;

– Vốn điều lệ của công ty logistics phù hợp với khả năng tài chính của công ty;

– Người đại diện theo pháp luật của công ty Logistics có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý và thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020;

– Ngành nghề của công ty logistics được quy định tại Danh mục ngành nghề kinh doanh ban hành tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg. 

2.2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ Logistics:

Ngoài việc đáp ứng các điều kiện thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải đáp ứng được những điều kiện được quy định tại Điều 234 Luật Thương mại năm 2005 và Điều 4 Nghị định số 163/2017/NĐ-CP. Cụ thể các điều kiện bao gồm:

– Thương nhân kinh doanh dịch vụ thuộc hệ thống dịch vụ Logistics được quy định tại Điều 3 Nghị định số 163/2017/NĐ-CP phải đáp ứng được các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với từng dịch vụ cụ thể;

– Thương nhân kinh doanh dịch vụ tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối Internet, mạng viễn thông di động hoặc các loại mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 3 Nghị định số 163/2017/NĐ-CP thì còn phải đáp ứng các điều kiện quy định về thương mại điện tử.

– Ngoài ra, đối với nhà đầu tư nước ngoài tiến hành kinh doanh dịch vụ Logistics tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 163/2017/NĐ-CP.

3. Kinh nghiệm thành lập công ty Logistics:

Logistics là loại hình kinh doanh đang phát triển và được đánh giá là một ngành đào tạo “HOT” mà nhiều trường đại học mở ra đào tạo sinh viên. Với kinh nghiệm tư vấn và cung ứng dịch vụ thành lập doanh nghiệp cho nhiều khách hàng, đặc biệt là những khách hàng kinh doanh dịch vụ Logistics, Luật LVN Group xin chia sẻ một số kinh nghiệm thành lập công ty Logistíc như sau:

3.1. Nghiên cứu dịch vụ Logisitics dự định kinh doanh và lên kế hoạch kinh doanh:

Hiện nay, dịch vụ Logistics được cung cấp rất nhiều loại hình được quy định tại Điều 3 Nghị định số 163/2017/NĐ-CP và Quyết định số số 27/2018/QĐ-TTg. Do đó, khi thành lập công ty kinh doanh dịch vụ Logistics thì chủ đầu tư nên nghiên cứu kỹ về dịch vụ Logistics mà mình muốn kinh doanh. Việc nghiên cứu bao gồm: nghiên cứu hình thức giao hàng, nghiên cứu về việc vận hành doanh nghiệp,…

Việc nghiên cứu cụ thể về dịch vụ Logistics mà mình sẽ kinh doanh giúp cho doanh nghiệp khi đi vào hoạt động dễ dàng hơn, vững chắc hơn và dễ thành công hơn. Bên cạnh đó, việc lên kế hoạch kinh doanh cũng giúp cho chủ đầu tư kinh doanh có cái nhìn tổng quát hơn, đánh giá thị trường chính xác và đưa ra được những kế hoạch phát triển doanh nghiệp trong từng giai đoạn.

3.2. Chuẩn bị nguồn vốn làm nền tảng cho công ty Logistics:

Pháp luật hiện hành không quy định số vốn ban đầu của doanh nghiệp phải là một con số cụ thể nào mà sẽ phụ thuộc vào khả năng tài chính của từng doanh nghiệp.

Để có thể thành lập được một công ty Logistics thì người thành lập cần phải chuẩn bị một số vốn phù hợp với quy mô và loại hình doanh nghiệp. Từ việc lên kế hoạch kinh doanh dịch vụ Logistics đã được nêu tại mục 3.1 của bài viết này, chủ đầu tư có thể dự toán được nguồn vốn cần chuẩn bị tương ứng. Bạn đừng ngại vấn đề vay mượn để đầu tư bởi có đầu tư thì mới có thể phát triển kinh doanh. Do đó, chủ đầu tư cần cân nhắc tài chính và kêu gọi đầu tư từ những người khác là điều cần thiết.

3.3. Lên kế hoạch quảng cáo, marketing cho công ty Logistics sau khi thành lập:

Sau khi dự tính được quy mô hoạt động, kế hoạch kinh doanh cũng như nguồn vốn kinh doanh cung ứng dịch vụ Logistics thì chủ đầu tư nên có những kế hoạch cụ thể cho việc quảng cáo và thực hiện chiến lược Marketing.

Cũng như Logistics, Marketing hiện nay cũng là một ngành phát triển và được thực hiện dưới mọi hình thức và đặc biệt dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng khi thực hiện marketing trên nền tảng công nghệ thông tin. Hoặc công ty bạn cũng có thể liên kết với một bên công ty chuyên về lĩnh vực quảng cáo, marketing để thực hiện chiến lược quảng cáo hiệu quả nhất. Việc thực hiện kế hoạch marketing giúp cho công ty Logistics tiếp cận được nhiều nguồn khách hàng, từ đó giúp tăng doanh thu của công ty.

Trên đây là một số kinh nghiệm ở bước đầu thành lập công ty Logistics mà chúng tôi chia sẻ đến quý bạn đọc. Ngoài ra còn rất nhiều những lưu ý khác mà quý bạn đọc cần lưu ý để việc thành lập công ty được nhanh chóng, hiệu quả và tiếp cận được nhiều nguồn khách hàng sử dụng dịch vụ Logistics hơn nữa.

4. Thủ tục thành lập công ty Logistics:

Để có thể đi vào hoạt động cung ứng dịch vụ Logistics thì người thành lập công ty phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập công ty Logistics:

Hồ sơ đăng ký thành lập công ty bao gồm các giấy tờ, tài liệu được quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

– Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty Logistics (Công ty Trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần);

– Điều lệ của công ty Logistics;

– Danh sách thành viên nếu là công ty Trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên hoặc Danh sách cổ đông sáng lập nếu là công ty Cổ phần;

– Bản sao hợp lệ Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân/hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;

– Bản sao hợp lệ Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân/hộ chiếu của các thành viên góp vốn là cá nhân (Công ty TNHH)/ cổ đông góp vốn là cá nhân (Công ty Cổ phần);

– Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thành viên góp vốn là tổ chức, văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của tổ chức, bản sao hợp lệ Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân/hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền;

– Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu người đại diện pháp luật không trực tiếp thực hiện với đăng ký thành lập công ty);

– Bản sao hợp lệ Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân/ hộ chiếu của người được uỷ quyền nộp hồ sơ thành lập công ty.

Nộp hồ sơ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:

Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu nêu trên thì người có yêu cầu sẽ nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics đặt trụ sở.

Tuy nhiên, hiện nay người nộp hồ sơ có thể thực hiẹn nộp hồ sơ online  Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ ). Bởi vì hiện nay ở một số tình thành như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… chỉ chấp nhận đăng ký doanh nghiệp thông qua hồ sơ online.

Phòng Đăng ký kinh doanh giải quyết hồ sơ và trả kết quả:

Sau khi tiếp nhận hồ sơ của người yêu cầu đnawg ký kinh doanh thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ.

Theo đó, trong thời hạn từ 03 đến 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty Logistics có hồ sơ hợp lệ. Đối với hồ sơ không hợp lệ thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ từ chối giải quyết và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Công bố nội dung đăng ký kinh doanh:

Doanh nghiệp phải thực hiện công bố về việc thành lập doanh nghiệp trên Công thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2020. 

Lưu ý, lệ phí công bố thành lập là 100 nghìn đồng/ lần.

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:

– Luật Thương mại năm 2005;

– Nghị định số 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2017 Quy định về kinh doanh dịch vụ logistics.

Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com