Tư pháp, hộ tịch là những bộ phận, chức danh trong cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước, có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế vận hành, các hoạt động này xảy ra rất nhiều vi phạm. Dưới đây là mức xử phạt vi phạm trong hoạt động hộ tịch, lý lịch tư pháp.
1. Mức xử phạt vi phạm trong hoạt động hộ tịch:
Mức xử phạt vi phạm trong hoạt động hộ tịch được quy định tại Mục 2 Nghị định82/2020/NĐ-CP như sau:
– Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh.
+ Chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
+ Mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi sau: Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
+ Ngoài ra, các tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu.
– Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn.
+ Đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
+ Chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Cho người khác sử dụng giấy tờ của mình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn; Cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cam đoan, làm chứng sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
+ Ngoài ra, các tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu.
– Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tổ chức, hoạt động của trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
+ Đối với hành vi không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có sự thay đổi về tên gọi, trụ sở, người đứng đầu, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
+ Đối với các hành vi tẩy xóa, làm sai lệch nội dung, không tư vấn hỗ trợ cho người dân, không cấp giấy xác nhận, không công bố công khai mức thù lao, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
+ Mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Khai không đúng sự thật trong tờ khai đăng ký hoạt động; Cung cấp giấy tờ chứng minh về trụ sở không đúng sự thật; Thay đổi tên gọi, trụ sở, người đứng đầu hoặc nội dung đăng ký hoạt động mà không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
+ Đối với các hành vi hoạt động không tuân thủ theo các quy định của pháp luật có liên quan về điều kiện hoạt động, phạm vi hoạt động, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
+ Mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng được áp dụng với các hành vi thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài khi chưa có giấy đăng ký hoạt động; Lợi dụng việc tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì mục đích trục lợi khác.
– Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cấp, sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
+ Mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
+ Mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối được áp dụng với một trong các hành vi sau: Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; Cam đoan không đúng về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; Sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không đúng mục đích ghi trong giấy xác nhận.
+ Ngoài ra, các tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu.
– Đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai tử, chủ thể vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, các tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu.
– Chủ thể có hành vi vi phạm quy định về đăng ký giám hộ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Ngoài ra, các tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu.
– Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký nhận cha, mẹ, con.
+ Chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
+ Chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con; Cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cam đoan, làm chứng sai sự thật để làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con; Đe dọa, cưỡng ép, cản trở việc nhận cha, mẹ, con.
+ Ngoài ra, các tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu.
– Đối với hành vi vi phạm quy định về thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc, chủ thể vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, các tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu.
– Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nguyên tắc đăng ký, quản lý hộ tịch, sử dụng giấy tờ hộ tịch; xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu hộ tịch là từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000.
– Mức xử phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý quốc tịch là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, các tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu.
2. Mức xử phạt vi phạm trong hoạt động tư pháp:
Mức xử phạt vi phạm trong hoạt động tư pháp được quy định tại Điều 47 Mục 2 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
– Đối với hành vi gian dối trong lập tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
– Mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung phiếu lý lịch tư pháp.
– Mức phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng phiếu lý lịch tư pháp của người khác trái pháp luật, xâm phạm đời tư của cá nhân; Sử dụng giấy tờ của người khác để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trái pháp luật; Khai thác, sử dụng trái phép, làm sai lệch, hủy hoại hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy; Truy cập trái phép, trộm cắp, phá hoại dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử; Phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, hệ thống thông tin dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử.
– Ngoài ra, các tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu.
3. Ý nghĩa của việc xử phạt vi phạm trong hoạt động hộ tịch, lý lịch tư pháp:
Việc xử phạt vi phạm trong hoạt động hộ tịch, tư pháp có ý nghĩa như sau:
– Đây là hình thức xử lý của cơ quan Nhà nước đối với hành vi vi phạm. Tức nó thể hiện tính xử phạt, xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với các chủ thể vi phạm pháp luật.
– Quy định về việc xử phạt vi phạm trong hoạt động hộ tịch, lý lịch tư pháp mang tính răn đe cao, buộc các cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tuân thủ quy định của pháp luật trong việc thực hiện các hoạt động pháp lý liên quan đến hộ tịch, lý lịch tư pháp.
– Các quy định xử lý này giúp hoạt động hộ tịch, lý lịch tư pháp tại nước ta diễn ra một cách chuẩn chính, khách quan, đạt hiệu quả cao nhất. Đây là cơ sở giúp thắt chặt công tác quản lý của Nhà nước, cũng như sức mạnh của bộ máy Nhà nước Việt Nam.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Nghị định 82/2020/NĐ-CP.