Lịch sử hình thành và phát triển tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi thể hiện qua các giai đoạn: sau cách mạng tháng 8 năm 1945; từ BLHS 1985 đến trước BLHS 1999 ra đời; từ BLHS 1999 đến trước BLHS 2015.
1. Giai đoạn sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến trước BLHS năm 1985 ra đời
Cách mạng tháng Tám thành công là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng với đó là Hiến pháp năm 1946 – nền tảng quan trọng bảo vệ các quyền cơ bản của người dân Việt Nam. Giai đoạn này để củng cố và bảo vệ thành tựu của cách mạng, chính phủ lâm thời chủ yếu tập trung xử lý tội phạm phản cách mạng, chống phá chính quyền nhân dân, các văn bản pháp luật cũ vẫn được sử dụng với tinh thần “không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa”, cụ thể: tiếp tục áp dụng Hình luật An Nam; Hoàng Việt Hình luật; Hình luật pháp tu chính cho lần lượt Bắc kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Cho đến trước năm 1954, các tội phạm xâm phạm tình dục nói chung và hành vi giao cấu với đối tượng người từ 13 đến dưới 16 tuổi vẫn được xét xử theo luật cũ. Sau đó, ngày 10/7/1959, TANDTC ban hành Chỉ thị số 772/TATC, các văn bản pháp luật thời kỳ trước không còn được áp dụng, thay vào đó các tòa án bắt đầu dùng án lệ để xét xử. Ở thời kỳ này, Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn vào chính sách hình sự cụ thể: năm 1960, TANDTC ra chỉ thị số 1024 ngày 15/06/1960 hướng dẫn xử lý tội hiếp dâm; năm 1967, TANDTC thông qua Bản tổng kết và hướng dẫn số 329- HS2 ngày 11/5/1967 về đường lối xét xử tội hiếp dâm và các tội khác về tình dục. Đây là văn bản toàn diện nhất trong thời gian này, đã đề cập đến cả 04 tội phạm: hiếp dâm, cưỡng dâm (cưỡng bách giao cấu), giao cấu với người dưới 16 tuổi và dâm ô (trái ý muốn và không có giao cấu); đặc biệt bản tổng kết số 329- HS2 cũng hướng dẫn cách định tội danh làm rõ sự khác biệt giữa hành vi giao cấu và hiếp dâm trẻ em cụ thể:
– Các hành vi giao cấu với trẻ em là đối tượng dưới 13 tuổi bất kể không kể có sự thỏa thuận hay không thỏa thuận, dù là giao cấu thuận tình hay không đều phải coi là hiếp dâm nguyên nhân xuất phát từ sự non nớt trong suy nghĩ của các đối tượng này, nói cách khác trẻ em dưới 13 tuổi là nhóm đối tượng trong tình trạng không thể tự vệ và biểu lộ ý chí đúng đắn.
– Các hành vi giao cấu với trẻ em là đối tượng từ đủ 13 tuổi đến 14 tuổi, một trong số các em đã dậy thì và có thể giao cấu một cách tự nguyện. Do vậy, yếu tố thuận tình trong hành vi giao cấu được xác định là một tình tiết để xác định hành vi đó là cấu thành của tội hiếp dâm trẻ em hay tội giao cấu với người dưới 16 tuổi.
Năm 1975, Sau khi đất nước thống nhất, các tội XPTD được quy định tại điểm c, điểm d Điều 5 của Sắc luật 03, ngày 15/03/1976 Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam: “c) Phạm tội hiếp dâm thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm, hiếp dâm vị thành niên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. d) Phạm các tội khác xâm phạm thân thể và nhân phẩm của công dân thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 10 năm”. Ngày 15/4/1976, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 03/BTP-TT hướng dẫn thực hành Sắc luật số 03/SL 76, trong đó các tội XPTD bao gồm: hiếp dâm, cưỡng dâm, thông gian với gái vị thành niên, dâm ô.
Sắc luật số 03/SL quy định về tội phạm và hình phạt trong đó không quy định cụ thể tội danh giao cấu với người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên điểm d của Điều 5 Sắc lệnh này quy định “Phạm các tội xâm phạm thân thể và nhân phẩm của công dân..” cho phép các Tòa án áp dụng nguyên tắc tương tự trong việc định tội. Do đó thực tiễn xét xử quy định thêm ba tội về tình dục khác là tội cưỡng dâm, tội giao cấu với người chưa đủ 16 tuổi và tội dâm ô.
Về cơ bản, ở thời kỳ này các quy định các tội xâm phạm tình dục nói chung và giao cấu trẻ em nói riêng rời rạc, chưa tập trung, thống nhất tại một văn bản và đảm bảo về mặt hiệu lực pháp lý; việc xét xử dựa theo nguyên tắc tương tự nên không tránh khỏi tồn tại, tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật. Do đó, nhu cầu cần có văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh quy định về tội phạm xâm phạm tình dục nói chung và giao cấu trẻ em nói riêng là một tất yếu.
2. Giai đoạn từ khi BLHS năm 1985 có hiệu lực đến trước BLHS năm 1999 ra đời
Năm 1985, BLHS đầu tiên của nước ta được Quốc hội thông qua ngày 27/6/1985 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1986 là bước tiến lớn trong lĩnh vực lập pháp nói chung và Luật hình sự Việt Nam nói riêng. Các tội xâm phạm tình dục được hệ thống lại với 03 tội danh: tội hiếp dâm (Điều 112), tội cưỡng dâm (Điều 113), tội giao cấu với người dưới 16 tuổi (Điều 114) quy định tại Chương 2. BLHS năm 1985 sau đó trải qua 03 lần sửa đổi bổ sung vào năm 1989, năm 1991 và năm 1997 với nhiều chuyển biến trong các quy định về tội phạm xâm phạm tình dục. Cụ thể:
Thứ nhất, lần sửa đổi bổ sung BLHS vào năm 1989, ở giai đoạn này tội giao cấu với người dưới 16 tuổi được bổ sung khoản 2 với nội dung: “giao cấu với nhiều người hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm” (Điều 114 BLHS). Như vậy, ngoài cấu thành cơ bản, tội giao cấu với người dưới 16 tuổi đã được tập trung xây dựng cấu thành tăng nặng.
Thứ hai, lần sửa đổi bổ sung BLHS vào năm 1991, ở lần sửa đổi này, trong các tội XPTD tội hiếp dâm (Điều 112 BLHS) được xem xét sửa đổi theo hướng tăng tình răn đe của hình phạt, đặc biệt bổ sung khoản 4 với nội dung: “Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều phạm tội hiếp dâm và người phạm tội bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Điều này sự thay đổi đáng kể trong chính sách hình sự về xử lý các tội phạm xâm phạm tình dục với đối tượng trẻ em theo hướng nghiêm khắc hơn răn đe hơn.
Thứ ba, lần sửa đổi bổ sung BLHS vào Năm 1997, cùng với những chuyển biến đáng kể về mặt kinh tế xã hội ở thời kỳ này, BLHS tiếp tục được sửa đổi nhằm phù hợp với tình hình mới. Các tội XPTD được phân hoá cụ thể hơn trong đó việc xâm hại đối tượng trẻ em từ một tình tiết tăng nặng trở thành một tình tiết định tội do vậy số lượng tội danh trong nhóm tội này tăng từ 3 tội danh lên 7 tội danh gồm: Điều 112 (tội hiếp dâm), Điều 112a (tội hiếp dâm trẻ em), Điều 113 (tội cưỡng dâm), Điều 113a (tội cưỡng dâm người chưa thành niên), Điều 114 (tội giao cấu với trẻ em). Đặc biệt tên tội danh “tội giao cấu với người dưới 16 tuổi” ở Điều 114 thay đổi thành “tội giao cấu với trẻ em”. Đồng thời, trong BLHS năm 1985, hình phạt bổ sung đối với các tội XPTD vẫn chưa được xem xét quy định.
3. Giai đoạn từ khi BLHS năm 1999 có hiệu lực đến nay đến trước BLHS năm 2015 ra đời
Bộ luật hình sự năm 1999 ra đời thay thế cho BLHS năm 1985 sau 14 năm triển khai, thi hành. Các tội XPTD được quy định tại Chương XII ở BLHS này với 6 điều luật, trong đó tội giao cấu với trẻ em được quy định tại Điều 115 với một số điểm mới và thay đổi nhất định như: Giới hạn về phạm vi chủ thể phải là “người đã thành niên”; đồng thời, chi tiết hoá các khung hình phạt với nhiều tình tiết định khung như: bổ sung tình tiết “gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%” tại điểm d khoản 2; “Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên” tại điểm a khoản 3 và “Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội” điểm b khoản 3. Điều này tăng đáng kể khả năng phân hoá và cá thể hóa TNHS đối với người phạm tội. Ngoài ra, tính nghiêm khắc trong đường lối xử lý đối với tội giao cấu với trẻ em đồng thời được thể hiện ở việc tăng mức hình phạt từ 03 năm thành 05 năm và bổ sung 02 khung hình phạt với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
Có thể thấy, qua các thời kỳ mặc dù có những sự thay đổi đáng kể trong các quy định cụ thể về tội giao cấu với trẻ em hay giao cấu với người dưới 16 tuổi; tuy nhiên, xuyên suốt quá trình đó là thái độ nghiêm khắc của nhà nước về hành vi nguy hiểm cho xã hội và trực tiếp xâm hại đến “mầm non của đất nước”. Yếu tố văn hoá, thuần phong mỹ tục và sự phù hợp với yêu cầu thời đại cũng được cân nhắc đảm bảo sự nghiêm khắc và răn đe của hình phạt. Điều này phản ánh sự phát triển trong cả kỹ thuật lập pháp và nội hàm của các quy định PLHS nói chung và tội giao cấu với trẻ em nói riêng.