Có thể nói, hành vi vi phạm pháp luật đất đai trên thực tế xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là các hành vi lấn chiếm đất trong đó có cả đất quốc phòng. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì mức xử phạt hành vi lấn chiếm đất quốc phòng sẽ như thế nào?
1. Như thế nào là hành vi lấn chiếm đất quốc phòng?
Theo quy định của Bộ Quốc phòng, thì đất quốc phòng là đất mà được nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng sử dụng và quản lí vào mục đích an ninh, quốc phòng quốc gia, dân tộc. Theo quy định của pháp luật đất đai thì căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 10 Luật đất đai năm 2013 hiện hành, đất quốc phòng (hay còn gọi là đất sử dụng vào mục đích quốc phòng) là loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Nhìn chung thì đất quốc phòng giữ một vài trò đặc biệt quan trọng. Mặc dù hiện nay đất nước đang trong thời hòa bình, nhưng đây là loại đất vẫn có giá trị to lớn trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với những thế trận an ninh nhân dân, đất thể xây dựng các khu phòng thủ lớn vững chắc và kiên cố, chắc chắn, qua đó góp phần tăng cường tiềm lực, khả năng sức mạnh quốc phòng gắn liền với phát triển nền kinh tế quốc dân, xã hội trên từng địa bàn nhất định ở nước ta. Vai trò của loại đất quốc phòng có thể nói là nó luôn luôn gắn liền với chức năng và nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như các đơn vị quân đội.
Loại đất này thường xuất hiện ở những địa điểm chủ chốt để quân hội thực hiện các mục đích, nhiệm vụ quốc phòng, thường là các doanh trại, căn cứ quân sự, trận địa, các công trình về quốc gia, các bãi tập bắn hoặc kho vũ khí… Các công trình này thể hiện rõ nét vai trò trực tiếp đối với hoạt động bảo vệ và giữ vững nền độc lập toàn dân và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Vì thế, hành vi lấn chiếm đất quốc phòng là một hành vi trái với quy định của pháp luật Việt Nam, được coi là chất xúc tác tới quá trình bảo vệ nền hòa bình quốc gia. Lấn chiếm đất quốc phòng là một khái niệm ghép tổng hợp, nội hàm của khái niệm này thể hiện hai hành vi, đó là hành vi lấn đất quốc phòng và hành vi chiếm đất quốc phòng. Cụ thể như sau:
– Hành vi lấn đất quốc phòng là hành vi mà cá nhân, tổ chức lợi dụng quyền sử dụng đất của mình để mở rộng diện tích lấn sang phần đất được xác định là đất thuộc mục đích quốc phòng an ninh, bằng cách chuyển mốc ranh giới hoặc mở rộng ranh giới thửa đất, mở rộng diện tích đất thực tế, mà không được sự đồng ý cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Bộ Quốc phòng;
– Hành vi chiếm đất quốc phòng là hành vi của cá nhân, tổ chức tự ý sử dụng đất quốc phòng vào mục đích cá nhân, riêng tư hoặc bất kì mục đích nào khác trái với mục đích ban đầu của đất này mà chưa được sự đồng ý cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hay nói cách khác theo chiều hướng ngắn gọn hơn, thì lấn chiếm đất quốc phòng là tổng hợp tất cả các hành vi sử dụng một phần hoặc toàn bộ đất quốc phòng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Vì thế hành vi này sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành và quy định của Bộ Quốc phòng. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm khác nhau mà hành vi lấn chiếm đất quốc phòng của các chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt ở những loại hình khác nhau và mức phạt khác nhau.
2. Xử phạt hành chính hành vi lấn chiếm đất quốc phòng:
Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị định 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu xác định hành vi lấn chiếm đất quốc phòng là một trong những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng. Cụ thể, căn cứ Điều 29 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ có quy định cụ thể xử lý hành vi lấn chiếm đất quốc phòng, cụ thể như sau:
– Hành vi lấn chiếm đất quốc phòng bị có thể bị phạt tiền với mức từ 10 (mười) triệu đồng đến 15 (mười lăm) triệu đồng khi thực hiện cụ thể dạng hành vi sau: Lấn chiếm đất quốc phòng mà đất quốc phòng đó có giá trị quyền sử dụng đất (hay còn gọi là phần đất bị vi phạm) trị giá dưới 200 (hai trăm) triệu đồng.
– Hành vi lấn chiếm đất quốc phòng bị có thể bị phạt tiền với mức từ 15 (mười lăm) triệu đồng đến 30 (ba mươi) triệu đồng khi thực hiện cụ thể dạng hành vi sau: Lấn chiếm đất quốc phòng mà đất quốc phòng đó có giá trị quyền sử dụng đất (hay còn gọi là phần bị vi phạm) trị giá từ 200 (hai trăm) triệu đồng đến dưới 400 (bốn trăm) triệu đồng.
– Hành vi lấn chiếm đất quốc phòng bị có thể bị phạt tiền với mức từ 30 (ba mươi) triệu đồng đến 50 (năm mươi) triệu đồng khi thực hiện cụ thể dạng hành vi sau: Lấn chiếm đất quốc phòng mà đất quốc phòng đó có giá trị quyền sử dụng đất (hay còn gọi là phần bị vi phạm) trị giá từ 400 (bốn trăm) triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
– Hành vi lấn chiếm đất quốc phòng bị có thể bị phạt tiền với mức từ 50 (năm mươi) triệu đồng đến 75 (bảy mươi lăm) triệu đồng khi thực hiện cụ thể dạng hành vi sau: Lấn chiếm đất quốc phòng mà đất quốc phòng đó có giá trị quyền sử dụng đất (hay còn gọi là phần bị vi phạm) trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên.
Thẩm quyền xử phạt đối với hành vi lấn chiếm đất quốc phòng sẽ được thực hiện theo như quy định tại Chương III của Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên sẽ căn cứ dựa trên mức độ vi phạm mà sẽ thuộc về ủy ban nhân dân các cấp hay thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tiến hành thực hiện.
Có thể nói, đất quốc phòng là nơi mà quân đội thực hiện những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến hoạt động quốc phòng, thể hiện ở việc xây dựng các công trình để phục vụ cho việc huấn luyện cũng như giáo dục với mục đích quốc phòng. Đây là những nhiệm vụ không thể thiếu trong phòng thủ và chiến đấu, mặc dù nó không trực tiếp tham gia vào trận địa, nhưng có tác dụng bổ trợ cho các hoạt động kể trên. Đất quốc phòng chiếm lĩnh vị trí trọng yếu của đất nước. Các vị trí của đất quốc phòng ngoài việc được đặt ở những nơi quan trọng, hiểm yếu để phòng thủ đất nước, còn có tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống và hỗ trợ bảo vệ nhân dân trong những trường hợp đặc biệt.
Vì thế, đối với hoạt động xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hành chính, thì tùy vào mức độ vi phạm của các chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật, mà mức phạt cũng khác nhau trong từng trường hợp nhất định.
3. Lấn chiếm đất quốc phòng có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nào?
Hành vi lấn chiếm đất quốc phòng còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu các giấy tờ đã tẩy xóa, sửa chữa, làm sai đi nội dung; giấy tờ giả dùng trong việc sử dụng đất; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn thuộc lĩnh vực đất đai 06 tháng đến 09 tháng hoặc có thể đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn thuộc lĩnh vực đất đai 09 tháng đến 12 tháng.
Ngoài ra, các biện pháp khắc phục hậu quả khi xuất hiện hành vi nêu trên sẽ bao gồm:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (tức là đã sử dụng vào mục đích gì thì buộc phải khôi phục lại như cũ);
– Buộc nộp lại số lợi ích bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai (hoa lợi, lợi tức phát sinh thông qua hành vi lấn đất trái phép đều phải nộp lại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền);
– Buộc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai theo các nhóm tại Điều 195 Luật Đất đai năm 2013;
– Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định (đã lấn phần vào thì trả lại phần đó cho chủ thể có quyền);
– Buộc chấm dứt các hợp đồng mua, bán, thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành;
– Buộc sử dụng đất theo đúng mục đích được Nhà nước giao từ trước;
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như cũ, chấm dứt hành vi lấn đất;
– Buộc cung cấp các thông tin, giấy tờ cũng như tài liệu cần thiết theo yêu cầu cơ quan và người có thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp đất đai;
– Xử lý tài sản tạo lập không hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Lấn chiếm đất quốc phòng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hiện nay bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hiện hành có quy định về tội vi [hạm các quy định về sử dụng đất đai tại Điều 228. Bởi xét thấy, hành vi lấn chiếm đất quốc phòng là hành vi của các chủ thể lạm dụng quyền sử dụng đất của mình, sử dụng đất sai quy định của pháp luật đất đai, vốn dĩ đất quốc phòng là loại đất không thuộc quyền sở hữu của họ. Cụ thể, người nào lấn chiếm đất quốc phòng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về đất đai; hoặc đã bị kết án về tội tại Điều 228 này, vẫn chưa được xóa án tích nhưng nay lại tiếp tục có hành vi vi phạm, tiếp tục lấn chiếm đất quốc phòng thì chịu hình phạt như sau:
Hình phạt chính tội lấn chiếm đất quốc phòng là phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Đối với hành vi lấn chiếm đất quốc phòng thuộc khung 2 của Điều 228, tức là hành vi thực hiện có tổ chức, hoặc phạm tội 2 lần trở lên hoặc thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Ngoài ra, bên cạnh hình phạt chính thì có thể còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung, đó là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu.
Như vậy có thể thấy, pháp luật Việt Nam đã rất nghiêm minh trong vấn đề sử dụng đất đặc biệt là loại đất có vai trò quan trọng như đất quốc phòng. Vì thế vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đã được đặt ra.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.