Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai – một thông điệp như nhắc nhở mỗi người chúng ta về vai trò vô cùng to lớn của trẻ em đối với toàn nhân loại, đó là tương lai của gia đình, của quốc gia và của cả thể giới này.
1. Trẻ em là ai:
Trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước, là lực lượng lao động chính trong tương lai. Trẻ em là thế hệ kế cận để kế thừa các thành quả nghiên cứu, lao động của người đi trước. Nếu không có trẻ em, các thành quả, kinh nghiệm tích lũy của các thế hệ đi trước sẽ không được kế thừa và phát triển. Sau khi trưởng thành, trẻ em sẽ tiếp nối những người đi trước, tiếp tục lao động, nghiên cứu và truyền lại các kinh nghiệm của bản thân cho thế hệ trẻ em tiếp theo. Vì vậy việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em vô cùng quan trọng.
Trong pháp luật quốc tế, khái niệm về trẻ em đã được đề cập trong các Công ước và được nhiều quốc gia công nhận như: Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989, Công ước 138 của Tổ chức lao động quốc tế về tuổi tối thiểu làm việc năm 1976,… Theo đó, trẻ em là một thuật ngữ chỉ một nhóm người trong xã hội thuộc về một độ tuổi nhất định trong giai đoạn đầu phát triển của con người.
Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1976 quy định, “Trẻ em là người dưới 18 tuổi” đã xác định rõ ràng tuổi của nhóm người được coi là trẻ em. Hay tại Điều 1 của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 có hiệu lực thi hành từ ngày 02/9/1990 (Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước này vào ngày 20/02/1990), trẻ em được quy định như sau: “Trong phạm vi công ước này, trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Có thể thấy, pháp luật quốc tế đã thống nhất khái niệm về trẻ em.
Trong pháp luật Việt Nam, theo luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2017): “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Dễ dàng nhận thấy so với pháp luật quốc tế, độ tuổi xác định là trẻ em trong pháp luật Việt Nam thấp hơn 02 tuổi (Các văn kiện quốc tế quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi). Vậy điều này có phải vi phạm pháp luật quốc tế về độ tuổi trẻ em.
Tuy nhiên, thông qua tìm hiểu, chúng ta thấy rằng việc quy định như vậy hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, truyền thống của Việt Nam và không trái với các quy tắc trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 mà Việt Nam đã ký. Có thể thấy khái niệm về trẻ em được quy định trong Luật Trẻ em năm 2016 đã giúp xác định rõ nhóm đối tượng này trong pháp luật Việt Nam. Việc quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi giúp bảo vệ, đảm bảo quyền của trẻ em không phân biệt dân tộc, tôn giáo, quốc tịch của trẻ em đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Đặc điểm của đối tượng là trẻ em:
Khác với người trưởng thành (người lớn), trẻ em là nhóm đối tượng đặc biệt cần sự quan tâm, chăm sóc của xã hội. Nhóm đối tượng này cũng có những đặc điểm, đặc trưng riêng khác với người trưởng thành, chính các đặc điểm này yêu cầu trẻ em phải nhận được sự chăm sóc, quan tâm đặc biệt của xã hội.
– Đặc điểm về độ tuổi
Có thể thấy, đặc điểm về độ tuổi là đặc điểm dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn. Độ tuổi là thước đo sinh lý quan trọng giúp xác định một người bình thường có đầy đủ năng lực thể chất, nhận thức hành vi hay chưa. Chỉ khi đến một độ tuổi nhất định thì một người bình thường mới có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Theo quy định của PLHS Việt Nam, độ tuổi phải chịu TNHS về mọi hành vi của mình là 18 tuổi. Trẻ em là người dưới 16 tuổi, theo pháp luật Việt Nam, họ chưa có sự phát triển hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, chưa có khả năng nhận thức hoàn toàn và đầy đủ hành vi pháp lý của bản thân và vì vậy họ cần sự quan tâm, bảo vệ của xã hội.
– Thứ nhất, trẻ em có đặc điểm về mặt xã hội:
Trẻ em giống như một trang giấy trắng, ban đầu nhận thức của trẻ em rất đơn giản, trong sáng. Do chưa có khả năng nhận thức đầy đủ về hành vi của bản thân, trẻ em thường có xu hướng học tập từ những người lớn, từ môi trường xung quanh chính các em. Môi trường gia đình, nhà trường sẽ giúp trẻ em xây dựng, hoàn thiện dần thói quen, tính cách và định hình con người của các em sau khi trưởng thành. Giống như câu tục ngữ: “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi môi trường xã hội. Thói quen, tính cách của trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi các hành vi xã hội nếu các hành vi xã hội tích cực giúp các em xây dựng một tính cách tích cực, có ích cho xã hội và ngược lại các hành vi tiêu cực dẫn tới trẻ em có một tính cách tiêu cực, cực đoan, chống lại xã hội.
– Thứ hai, trẻ em có đặc điểm về sự phát triển sinh lý:
Giai đoạn phát triển nhanh nhất của một con người đó là khi còn là trẻ em. Giai đoạn này, trẻ em bắt đầu phát triển nhanh chóng, hoàn thiện dần thể chất, các chức năng sinh lý của cơ thể. Những chức năng mang tính bản năng của con người càng ngày càng được hoàn thiện đặc biệt là chức năng về sinh sản. Giai đoạn này trẻ em cần có sự chăm sóc, giáo dục để được phát triển một cách toàn diện, đúng chuẩn mực xã hội tránh để trẻ em phát triển theo hướng lệch lạc, tiêu cực, tác động xấu đến xã hội. Điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, đồng thời, nâng cao ý thức tự giác từ mỗi trẻ em, khuyến khích trẻ em thường xuyên thực hiện các công việc có ích cho gia đình và xã hội, tránh xa các tác nhân xấu gây hại đối với tâm hồn của trẻ nhỏ.
– Thứ ba, trẻ em có đặc điểm về tâm lý:
Như đã từng đề cập ở phía trên, trẻ em chưa hoàn thiện về thể chất cũng như tâm lý. Ở giai đoạn này, trẻ em có xu hướng tiếp thu, lĩnh hội các kinh nghiệm của người lớn để hình thành tâm lý, tính cách của bản thân. Trẻ em giai đoạn này bắt đầu học tập, bắt chước như một người trưởng thành, tích hợp các thông tin thu được từ môi trường xung quanh để hoàn thiện tính cách bản thân. Nếu được giáo dục đúng cách sẽ giúp hoàn thiện tâm lý cho trẻ em, ngược lại sẽ biến các trẻ em thành một người có một tâm lý ngỗ nghịch, chống lại xã hội. Bên cạnh đó, tâm lý của trẻ em rất yếu, dễ bị dao động, hoảng loạn, sợ hãi khi chịu các tác động tâm lý lớn, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ em. Vì vậy, cần phải có sự định hướng đúng đối với trẻ em trong mọi vấn đề. Việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức tâm sinh lý cho trẻ em cần được chú trọng đặc biệt. Hiện nay, có một số trường học đã bắt đầu nhen nhóm đưa bộ môn tâm lý học đường vào chương trình dạy học để chuẩn bị vững hành trang kiến thức xã hội cho các em học sinh có thể vượt qua các giai đoạn biến động về mặt tâm lý, giúp các em có cái nhìn lạc quan, tích cực, luôn tin yêu vào cuộc sống và dần trở thành công dân có ích cho xã hội trong tương lai.
Từ những phân tích trên có thể hiểu trẻ em là người dưới 16 tuổi theo quy định của pháp luật Việt Nam, là nhóm đối tượng đặc biệt cần su chăm sóc và bảo vệ của toàn xã hội để đảm bảo cho sự phát triển bình thường về tâm sinh lý.