Án treo là gì? Những đặc điểm đặc trưng nhất của án treo?

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội không quá 03 (ba) năm, căn cứ nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

1. Khái niệm án treo: 

Trên thế giới, khái niệm “án treo” trở thành thuật ngữ pháp lý xuất hiện từ rất sớm ngay sau sự hình thành của lịch sử luật thành văn thế giới và nó được sử dụng chính thức từ giữa thế kỷ thứ 19. “Trong tiến trình phát triển của nhân loại, nhân đạo luôn là niềm khát vọng cháy bỏng của con người. Cùng với những giá trị xã hội khác như công bằng, bình đẳng, dân chủ, pháp luật nhân đạo có giá trị xã hội và ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của xã hội nói chung và của mỗi con người nói riêng”. Cũng bởi lẽ đó, mà dù có sự khác nhau về hình thức, tên gọi … nhưng chế định án treo trong luật hình sự của phần lớn các quốc gia trên thế giới đều xác định đây là biện pháp khoan hồng, nhân đạo và hướng thiện của chính sách pháp luật hình sự trong quá trình xử lý tội phạm.

Luật Hình sự của Anh – Mỹ coi “án treo là trường hợp hoãn tuyên án kèm theo biện pháp bảo lĩnh hoặc biện pháp bảo đảm bằng tiền” trong khi Luật hình sự của Pháp, Bỉ và một số nước khác coi “án treo là việc hoãn hoặc miễn chấp hành hình phạt”. Các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây và hiện nay Nga, Trung Quốc coi “án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện” nhưng cũng có nước coi “án treo là hình phạt chính” như nước Cộng hòa dân chủ Đức hay Thụy Điển. Vì lý do tài chính cũng như hiệu quả của án treo trong việc ngăn ngừa người phạm tội tái phạm, nhiều quốc gia có xu hướng sử dụng án treo như là một sự lựa chọn tốt nhất khi xử phạt người phạm tội.

Trong pháp luật hình sự Việt Nam, chế định án treo xuất hiện từ rất sớm và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong các văn bản quy phạm pháp luật qua các thời kỳ và dù nhận thức về khái niệm, các điều kiện được hưởng án treo có sự khác nhau nhưng luôn thể hiện được bản chất nhân đạo, nhân văn của án treo. Trong Sắc lệnh số 33C ngày 13/09/1945 lần đầu tiên ghi nhận “có thể cho hưởng án treo đối với người phạm tội có lý do chính đáng khoan hồng vì ít tuổi, biết hối cải, vì nhầm lẫn”, còn theo Sắc lệnh số 21 ngày 14/02/1946 thì án treo có ý nghĩa là biện pháp “tạm đình chỉ việc thi hành án”, trong khi Sắc lệnh số 267/SL ngày 15/6/1956 quy định “đối với những kẻ phạm tội bị phạt không quá 2 năm tù thì trong những trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định, Tòa án có thể cho bị cáo hưởng án treo”. Tòa án nhân dân tối cao cũng có nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau về án treo, theo đó “án treo là một biện pháp hoãn thi hành hình phạt có điều kiện” hay “án treo phải được xem là hình thức xử lý nhẹ hơn án tù giam”. Có thể nhận thấy, các khái niệm án treo trong giai đoạn lịch sử này tuy đã thể hiện tinh thần nhân đạo nhưng chưa đầy đủ dẫn đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật không thống nhất. Do đó, trong BLHS đầu tiên năm 1985 tại Điều 44 đã có quy định:

Khi xử phạt tù không quá 5 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tỉnh tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1985 cũng như khoản 1 Điều 60 BLHS năm 1999 quy định:

Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 đến 5 năm.

BLHS năm 2015 quy định về án treo cụ thể hơn tại khoản 1 Điều 65:

“Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân người phạm tội, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật THAHS.”

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì thấy rằng trong các BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 không có định nghĩa như thế nào là án treo, mà chỉ quy định điều kiện được hưởng án treo. Đồng thời, Điều 44 BLHS năm 1985 cũng như Điều 60 BLHS năm 1999 và Điều 65 BLHS năm 2015 không nằm trong chương hình phạt.

Liên quan đến pháp luật về án treo, bên cạnh những nội dung thể hiện trong các BLHS nêu trên còn có những văn bản bổ trợ khác hướng dẫn thi hành, đó là các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, các thông tư liên tịch và các văn bản khác.

Tại Điều 1 Nghị quyết số 01 ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (hướng dẫn thi hành Điều 60 BLHS năm 1999) cũng như các nghị quyết, hướng dẫn trước đây của TAND tối cao và giáo trình Luật Hình sự Việt Nam thì định nghĩa: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”.

Tại Điều 1, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP có quy định cụ thể hơn:

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Từ khi ban hành BLHS năm 1985 đến nay, quy định về án treo có 03 lần sửa đổi, nhưng đã có 13 lần được TAND Tối cao và các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng, trong đó có 07 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, 02 Thông tư liên tịch và còn lại là các Công văn, Kết luận của Chánh án TAND Tối cao. Điều đó cũng cho thấy vị trí và ý nghĩa quan trọng và sự phức tạp trong nỗ lực giải thích nhằm áp dụng thống nhất chế định án treo trên thực tế của các cơ quan áp dụng pháp luật.

Từ những phân tích trên đây, thì rõ ràng án treo không phải là một hình phạt, không phải là “hình thức xử lý nhẹ hơn tù giam”, không phải là “biện pháp của việc tạm đình chỉ thi hành án”, không phải là “biện pháp hoãn hình có điều kiện”, không phải là “hình phạt nhẹ hơn hình phạt từ”, mà nó là “biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Đây là định nghĩa chính thống hiện nay về án treo. Định nghĩa này khá tương đồng với khái niệm về án treo trong BLHS của nước CHND Trung Hoa và BLHS của nước Cộng hòa Liên bang Nga.

2. Đặc điểm của án treo: 

Án treo thể hiện tính nhân đạo, hướng thiện, khoan hồng, là sự ân huệ của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội. So với các hình phạt cải tạo không giam giữ và các hình phạt khác thì án treo có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, án treo là biện pháp giáo dục trong trường hợp không cần cách ly người phạm tội khỏi cộng đồng khi bị xử phạt tù tương đối nhẹ 

Hình phạt là quan trọng, có ý nghĩa trừng trị người phạm tội, buộc họ phải gánh chịu trách nhiệm cho hành vi nguy hiểm mà họ gây ra cho xã hội, tuy nhiên trong một số trường hợp, Tòa án có thể xem xét cho người phạm tội hưởng án treo [3]. Án treo thường chỉ được áp dụng đối với người phạm tội khi bị xử phạt tù tương đối nhẹ (dưới 3 năm) và trên thực tế không áp dụng đối với loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Tại Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng quy định cụ thể 06 trường hợp không cho hưởng án treo Bản chất của việc cho hưởng án treo là biện pháp không tước tự do, không cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội nhưng vẫn đạt được mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội. Người phạm tội được tự do thân thể, không bị giam giữ trong tù và có thể lao động chân chính để phục vụ bản thân, gia đình, cống hiến có ích cho xã hội. Tuy nhiên, nếu người phạm tội không biết hướng thiện, không ý thức hậu quả pháp lý của án treo mà lại phạm tội mới trong thời gian thử thách thì họ phải thi hành hình phạt tù của bản án treo ngoài việc phải thi hành hình phạt của tội mới, không được tự do và phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi khác. Việc Tòa án xem xét cho người phạm tội hưởng án treo, tự cải tạo giáo dục bên ngoài trại giam vừa giảm tải áp lực cho các trại tạm giam, trại giam, vừa tạo điều kiện cho người phạm tội có niềm tin và hy vọng để hoàn lương, ngăn ngừa tái phạm.

Thứ hai, Ấn treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện 

Không phải bất cứ bị cáo nào khi bị xét xử Tòa án đều cho hưởng án treo, mà chỉ có những bị cáo đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại BLHS năm 2015 và các Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì mới được Tòa án “xem xét” cho hưởng án treo. Tòa án sẽ ấn định cho bị cáo một thời gian thử thách trong phạm vi pháp luật quy định, nếu trong thời gian thử thách đó mà phạm tội mới thì ngoài hình phạt của tội danh mới mà Tòa án tuyên phạt, bị cáo còn phải chấp hành cả hình phạt tù của bản án mà bản thân bị cáo được Tòa án cho hưởng án treo. Tại khoản 5 Điều 165 BLHS năm 2015 quy định rõ:

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

Thứ ba, người được hưởng án treo phải tự cải tạo, dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương trong một thời gian thử thách nhất định do Tòa án ấn định.

Nội dung này cũng được ghi nhận rõ tại Điều 65, khoản 2 BLHS năm 2015, theo đó:

Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

Người được hưởng án treo phải có nghĩa vụ báo cáo và có mặt theo yêu cầu triệu tập của cơ quan, tổ chức đơn vị giám sát, phải chấp hành pháp luật, thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú làm việc học tập dưới sự giám sát giáo dục của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật THAHS. Việc giám sát này có ý nghĩa thiết thực, nhằm đảm bảo trách nhiệm của xã hội với quá trình giúp đỡ người bị án treo tự giáo dục, cải tạo, tránh nguy cơ họ tái phạm.

Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com