Lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở

Sự phát triển của kinh tế – xã hội kéo theo sự phát triển của các công trình xây dựng nhà ở do nhu cầu của người dân càng ngày càng được nâng cao. Vậy để thực hiện một dự án dầu tư xây dựng nhà ở thì việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở được thực hiện như thế nào? 

1. Lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở:

Đầu tư là hoạt động sử dụng nguồn lực như tài chính, nhân lực, trí tuệ….vào những hoạt động kinh tế nhất định để thu về lợi nhuận. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tổng hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để xây dựng mới nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở trên một địa điểm nhất định. Việc phát triển dự án đầu tư xây dựng nhà ở với mục đích là để cho thuê, cho thuê mua, để bán của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, khu nhà ở cũ; phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư; phát triển nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Các hình thức dự án đầu tư xây dựng nhà ở: 

– Dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo một công trình nhà ở độc lập hoặc một cụm công trình nhà ở;

– Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực nông thôn;

– Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hoặc dự án sử dụng đất hỗn hợp mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở;

– Dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

Các tổ chức, cá nhân trước khi lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc 04 trường hợp nêu trên thì phải làm thủ tục đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Khi thực hiện lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở, cần chú ý những yêu cầu sau: 

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở chỉ được lập, phê duyệt tại khu vực đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt, tuân thủ các nội dung quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Các khu vực trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải được đặt tên bằng tiếng Việt, trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước sau đó mới viết tiếng nước ngoài. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định nếu được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý và được sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng.

2. Thẩm định dự án đầu tư xây dựng nhà ở: 

2.1. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ: 

– Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao trên diện tích đất được xác định để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo quy hoạch được phê duyệt để cho thuê, cho thuê mua, bán cho người được tái định thì thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng. 

Theo đó, Bộ Xây dựng có ý kiến thẩm định các nội dung về nhà ở nếu dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Xây dựng có ý kiến thẩm định các nội dung về nhà ở nếu dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Trường hợp Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo thẩm quyền quy định của Luật Đầu tư công thì Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định dự án trước khi phê duyệt.

– Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ thì thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức và lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phê duyệt dự án;

– Đối với dự án do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quyết định đầu tư theo quy định thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức, lập, thẩm định và lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phê duyệt dự án.

– Đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư theo quy thì Sở Xây dựng tổ chức lập, thẩm định và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2.2. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định các dự án đầu tư xây dựng khác: 

– Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc các diện trên thì việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng. Cụ thể: 

+ Đối với dự án quan trọng quốc gia thì Hội đồng thẩm định Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập có trách nhiệm thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

+ Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp có trách nhiệm chủ trì tổ chức thẩm định.

+ Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách thì thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng được quy định như sau:

++ Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở 

++ Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì thẩm định thiết kế công nghệ 

+ Đối với dự án sử dụng vốn khác thì thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng được quy định như sau:

++ Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I, công trình công cộng, công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng. 

++ Dự án sử dụng vốn khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này do người quyết định đầu tư tự tổ chức thẩm định dự án.

++ Dự án thực hiện theo các hình thức hợp đồng dự án, hợp đồng đối tác công tư có phần góp vốn của nhà nước do cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở của dự án. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư thẩm định các nội dung khác trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

+ Đối với dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng thì thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng được quy định như sau:

++ Trường hợp sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm chủ trì tổ chức thẩm định các nội dung của Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

++ Trường hợp sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách thì cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp có trách nhiệm chủ trì thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình. Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định phần thiết kế công nghệ (nếu có), các nội dung khác của Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

++ Trường hợp sử dụng vốn khác thì người quyết định đầu tư, chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng, trừ các công trình cấp đặc biệt, cấp I và công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng và tự chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định.

+  Dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định.

+  Cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định dự án hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng đã được đăng ký trên trang thông tin điện tử về năng lực hoạt động xây dựng theo quy định để thẩm tra dự án làm cơ sở cho việc thẩm định, phê duyệt dự án. Chi phí thẩm tra, phí thẩm định dự án và thiết kế cơ sở được tính trong tổng mức đầu tư của dự án.

+ Cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định dự án trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

+ Tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định, thẩm tra dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định, thẩm tra của mình. Tổ chức, cá nhân lập dự án không được tham gia thẩm định, thẩm tra dự án do mình lập.

3. Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở: 

Các cơ quan có thẩm quyền thẩm định sẽ thực hiện thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Lưu ý: 

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định cụ thể danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn bao gồm dự án xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở để phục vụ tái định cư và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định sau đây:

– Số lượng dự án, tổng số lượng nhà ở và tổng diện tích sàn nhà ở đầu tư xây dựng hàng năm trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn.

– Các nội dung cơ bản của từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn bao gồm tên dự án, địa điểm đầu tư xây dựng, quy mô dự án, quy hoạch chi tiết của dự án, tiến độ thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, số lượng nhà ở, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, hình thức kinh doanh nhà ở và các nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

– Việc công khai các thông tin về dự án phải được thực hiện trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: 

– Luật Nhà ở năm 2014;

– Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Nhà ở;

– Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định 99/2015/NĐ-CP.

Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com