Theo quy định của pháp luật hiện hành thì góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một trong những hình thức của chuyển quyền sử dụng đất. Vậy, khi muốn xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì thực hiện thủ tục ra sao?
1. Thủ tục xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất:
Để thực hiện thủ tục xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì bạn cần thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Theo đó hồ sơ xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Văn bản thanh lý hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất có xác nhận đã được thanh lý hợp đồng;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối;
– Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Theo đó, việc nộp hồ sơ xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất được thực hiện như sau:
Đối với trường hợp người góp vốn quyền sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.
Đối với trường hợp người góp vốn quyền sử dụng đất là tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố.
Khi tiếp nhận hồ sơ xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì bộ phận tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin, sau đó viết giấy biên nhận hồ sơ và trả kết quả kiểm tra hồ sơ.
Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật thì:
Đối với trường hợp người góp vốn quyền sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc xác nhận việc xóa góp vốn vào Giấy chứng nhận theo quy định và trao cho bên góp vốn. Trường hợp góp vốn quyền sử dụng đất mà đã cấp Giấy chứng nhận cho bên nhận góp vốn thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; bên nhận góp vốn được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Trường hợp thời hạn sử dụng đất kết thúc cùng với thời điểm xóa góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng đất thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp.
Theo đó, đối với tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là bên góp vốn thì Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố xác nhận việc xóa góp vốn vào Giấy chứng nhận theo quy định và trao cho bên góp vốn. Trường hợp góp vốn quyền sử dụng đất mà đã cấp Giấy chứng nhận cho bên nhận góp vốn thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; bên nhận góp vốn được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trường hợp thời hạn sử dụng đất kết thúc cùng với thời điểm xóa góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng đất thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp.
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Nếu từ chối hồ sơ thì phải nêu rõ căn cứ pháp lý và lý do.
Khi Văn phòng đăng ký đất đai đã tiếp nhận và thực hiện thủ tục đăng ký xóa thế chấp bằng quyền sử dụng đất xong thì người sử dụng đất căn cứ ngày hẹn trong Biên nhận liên hệ nhận kết quả tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký đất đai thành phố để nhận kết quả.
Thời hạn giải quyết: Không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Theo đó, thời hạn giải quyết không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
2. Quy định của pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất:
2.1. Thế nào là góp vốn bằng quyền sử dụng đất ?
Mặc dù trong tất cả các văn bản pháp luật không có bất kỳ quy định nào về khái niệm góp vốn bằng quyền sử dụng đất là gì. Tuy nhiên, ta có thể dựa theo các quy định sau đây:
Căn cứ theo quy định tại khoản 18, điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì có thể hiểu góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập. Tức là khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất bản chất là việc một người chuyển quyền sử dụng đất của mình cho một người khác để tạo thành một số vốn nhằm mục đích kinh doanh.
Còn căn cứ theo khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Tóm lại, từ hai quy định trên thì ta có thể xác định góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một trong những hình thức của chuyển quyền sử dụng đất.
2.2. Quy định về điều kiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất:
Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất cũng cần phải tuân theo những điều kiện nhất định theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013. Theo quy định này thì ta xác định được khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đáp ứng những điều kiện sau đây:
Một là, người sử dụng đất được thực hiện các quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ các trường hợp người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Trong trường hợp này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.
Hai là, người sử dụng đất được thực hiện các quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi đất không có tranh chấp;
Ba là, người sử dụng đất được thực hiện các quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
Bốn là, người sử dụng đất được thực hiện các quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi đất vẫn đang trong thời hạn sử dụng đất.
Năm là, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
2.3. Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chấm dứt trong các trường hợp nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì việc góp vốn sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất được chấm dứt khi hết thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
Thứ hai, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất được chấm dứt khi một bên hoặc các bên đề nghị theo thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn;
Thu ba, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất được chấm dứt khi bên có quyền sử dụng đất bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai;
Thứ tư, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất được chấm dứt khi bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc doanh nghiệp liên doanh bị tuyên bố phá sản, giải thể;
Thứ năm, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất được chấm dứt khi cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn chết; bị tuyên bố là đã chết; bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị cấm hoạt động trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh mà hợp đồng góp vốn phải do cá nhân đó thực hiện;
Thứ sáu, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất được chấm dứt khi cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị chấm dứt hoạt động mà hợp đồng góp vốn phải do pháp nhân đó thực hiện.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật đất đai 2013;
– Luật Doanh nghiệp 2020.