Tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã là gì? Đặc điểm?

Tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp xã là việc hình thành, quy định các nhiệm vụ, quyền hạn cho Hội đồng nhân dân cấp xã, Thường trực HĐND cấp xã, các Ban của HĐND cấp xã, xác lập mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau và giữa HĐND cấp xã với các cơ quan nhà nước cấp trên.

1. Khái niệm Tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã: 

+ Khoa học tổ chức và quản lý định nghĩa tổ chức với ý nghĩa hẹp là “tập thể của con người tập hợp nhau lại để thực hiện một nhiệm vụ chung hoặc nhằm đạt tới một mục tiêu xác định của tập thể đó”. Quan niệm về tổ chức theo Khoa học tổ chức và quản lý có nhiều điểm tương đồng với Luật học, Quản trị công ở chỗ đều xác định tổ chức thuộc về con người, là của con người trong xã hội; vì là tổ

chức của con người, có các hoạt động chung do vậy mục tiêu của tổ chức là một trong những điều kiện quan trọng, không thể thiếu của tổ chức. Tổ chức còn có thể hiểu là: “Tổ chức là một đơn vị xã hội, được điều phối một cách có ý thức, có phạm vi tương đối rõ ràng, hoạt động nhằm đạt được một hoặc nhiều mục tiêu chung (của tổ chức). Điểm mới quan trọng của quan niệm này về tổ chức thể hiện ở ý nói về phạm vi của tổ chức, mỗi tổ chức có phạm vi hoạt động khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ cấu, nguồn lực của tổ chức đó. Các yếu tố này là những điều kiện của tổ chức.

Theo Từ điển Tiếng Việt: “Tổ chức” có nghĩa là quá trình sắp xếp, bố trí các công việc, giao quyền hạn và phân phối các nguồn lực của tổ chức sao cho chúng đóng góp một cách tích cực nhất và có hiệu quả nhất vào các nhiệm vụ, mục tiêu chung của chủ thể. Tổ chức bao gồm tổ chức về cơ cấu và tổ chức của quá trình hoạt động. Tổ chức về cơ cấu được hiểu là các thành phần của chủ thể hướng đến việc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể. Tổ chức về hoạt động được hiểu là quá trình triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể trên thực tế.

Với cách hiểu như trên về tổ chức thì tổ chức của HĐND cấp xã là cách thức hình thành nên HĐND cấp xã, từ việc hiệp thương bầu ra các đại biểu HĐND cấp xã đảm bảo đủ tiêu chuẩn cho đến việc hình thành nên các cơ quan, chủ thể bên trong tạo nên HĐND cấp xã như: Thường trực HĐND cấp xã, các Ban của HĐND cấp xã. Tổ chức HĐND cấp xã cũng chính là việc quy định các nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND cấp xã, đại biểu HĐND cấp xã, Thường trực HĐND cấp xã, các thành viên thường trực, các Ban của HĐND cấp xã và cách thức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã và các cơ quan, chủ thể tạo nên HĐND cấp xã. Mối quan hệ giữa đại biểu HĐND, Thường trực HĐND, thành viên TTHĐND các Ban của HĐND cấp xã với nhau, quan hệ giữa HĐND cấp xã với các cơ quan nhà nước cấp trên và với UBND cấp xã. Việc sắp xếp, bố trí, phân công cán bộ cho từng cơ quan và các công việc cụ thể, giao quyền hạn và phân phối các nguồn lực cho HĐND để đảm bảo cho HĐND thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ luật định.

Như vậy, có thể hiểu: Tổ chức của HĐND cấp xã là việc hình thành, quy định các nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND cấp xã, Thường trực HĐND cấp xã, các Ban của HĐND cấp xã, xác lập mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau và giữa HĐND cấp xã với các cơ quan nhà nước cấp trên.

Việc tổ chức của HĐND xã nói chung và các cơ quan, chủ thể bên trong HĐND xã, dù được tổ chức theo mô hình nào thì đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; việc tổ chức đó phải bảo đảm tính hiện đại, minh bạch, phù hợp với thực tế khách quan, hướng đến việc phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, bảo đảm cho HĐND xã thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Việc tổ chức đó phải đảm bảo cho HĐND xã thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong xã. Đây là một hoạt động có ý thức, có mục đích, có phạm vi rất rõ ràng, có sự điều chỉnh của pháp luật, HĐND xã nếu được tổ chức chặt chẽ, khoa học, đúng các quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế khách quan sẽ là lực đẩy để HĐND xã hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2. Đặc điểm về tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp xã: 

Một là, về cơ cấu xã hội của HĐND cấp xã: 

Đại biểu HĐND cấp xã là những cá nhân thuộc các giai cấp, tầng lớp, ngành nghề, tôn giáo khác nhau trong xã hội, qua nhiều lần hiệp thương, giới thiệu, đưa vào danh sách bầu cử, sau đó được cử tri địa phương trực tiếp lựa chọn theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Do đó, cơ cấu xã hội của HĐND cấp xã đa dạng, với đủ các thành phần xã hội cơ bản ở địa phương.

Tính đa dạng thành phần xã hội là một yếu tố bảo đảm cho HĐND cấp xã thực hiện chức năng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Song sự đa dạng về cơ cấu xã hội có thể là một trở ngại cho việc tạo nên sự thống nhất trong HĐND khi phải ra các quyết định liên quan đến lợi ích của các nhóm xã hội ở địa phương. Nhất là ở địa bàn nông thôn, tính cộng đồng làng xóm, dòng họ rất sâu đậm, mang tính bản sắc. Ngoài lợi ích chung, mỗi thôn xóm, dòng họ có lợi ích riêng, các đại biểu HĐND có thể vì lợi ích thôn xóm, dòng họ mà “tranh đấu” bảo vệ lợi ích cộng đồng của mình trong lúc bàn thảo về các quyết định của HĐND, “thiên lệch” trong hoạt động kiểm tra, giám sát và phản ánh ý kiến cử tri.

Hai là, về mức độ gần dân: 

CQĐP cấp xã là cấp gần dân nhất, có quan hệ trực tiếp đến từng người dân, là nơi gắn bó giữa chính quyền với Nhân dân, là cầu nối chuyển tải các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với Nhân dân. Thực hiện chức năng cơ quan quyền lực, tổ chức đại diện và bảo đảm quyền lợi cho Nhân dân đòi hỏi trong các hoạt động của mình, các đại biểu HĐND cấp xã phải có ý thức về việc gần dân, luôn thấu hiểu và lắng nghe ý dân, tâm tư nguyện vọng của dân, coi đó là bổn phận, lẽ sống, là đạo đức của đại biểu dân cử. Có thân dân, gần dân thì mới hiện thực hóa quan điểm dân là gốc mà đại hội XIII của Đảng tái khẳng định mạnh mẽ như là một bài học lớn trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Có thân dân, gần dân thì những kỳ vọng, mong đợi của các tầng lớp nhân dân mới được hóa thân trong đường lối chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước để thật sự nhà nước ta của dân do dân, vì dân.

Ba là, về tính chất và phạm vi thẩm quyền: 

So với HĐND cấp huyện và HĐND cấp tỉnh nhiệm vụ quyền hạn của HĐND cấp xã đơn giản hơn, hạn chế hơn, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của Nhân dân địa phương.

Trong hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương thì HĐND cấp xã là cơ quan quyền lực nhà nước thấp nhất, cấp độ HĐND cấp xã đến HĐND cấp huyện và cao nhất là HĐND cấp tỉnh. Như vậy, HĐND cấp xã là cơ quan cuối cùng gần dân nhất, tiếp xúc với dân nhiều nhất nên hiểu được tâm tư nguyện vọng cũng như dễ dàng trao đổi; từ đó có trách nhiệm triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên đến với Nhân dân địa phương, cụ thể hóa thành những việc làm cụ thể. HĐND cấp xã là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương được tổ chức đơn giản hơn so với HĐND tỉnh, HĐND huyện, được thể hiện ở số lượng đại biểu HĐND cấp xã ít hơn, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cũng thấp hơn, tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu kỹ năng cơ bản của người đại biểu; chế độ chính sách dành cho đại biểu HĐND cấp xã thấp nhất so với các đại biểu dân cử khác, cơ cấu đại biểu của HĐND cấp xã thường có nhiều sự thay đổi, biến động sau mỗi kỳ đại hội, tỷ lệ đại biểu tái cử thấp hơn so với HĐND cấp tỉnh và cấp huyện.

Cơ cấu tổ chức của HĐND cấp xã đơn giản hơn so với HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, Thường trực của HĐND cấp xã chỉ có hai thành viên, gồm có Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND cấp xã, trong đó chỉ bắt buộc Phó Chủ tịch HĐND cấp xã là đại biểu hoạt động chuyên trách. HĐND cấp xã trong qua trình tổ chức và hoạt động để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình ngoài Thường trực còn có hai Ban (Ban pháp chế và Ban kinh tế – xã hội), không thành lập tổ đại biểu và không có bộ phận giúp việc riêng. Trong khi đó HĐND cấp tỉnh có đến bốn Ban, HĐND cấp huyện có thể có ba Ban. Sự đơn giản hơn trong tổ chức của HĐND cấp xã phát từ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã có những hạn chế và khác biệt so với HĐND cấp huyện, HĐND cấp tỉnh, số lượng đại biểu, số lượng thành viên Thường trực, số lượng các Ban của HĐND cấp xã phải phù hợp với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn và tính chất chất của các nhiệm vụ, quyền hạn được phân giao. Đây là những đặc điểm về tổ chức mà không lặp lại ở HĐND cấp tỉnh và HĐND cấp huyện.

Việc tổ chức của HĐND cấp xã như hiện nay về cơ bản là trùng lặp với HĐND tỉnh, HĐND huyện, việc tổ chức như vậy chưa thực sự khoa học, hợp lý. Bởi HĐND cấp xã trên thực tế hoạt động và được pháp luật quy định cho những nhiệm vụ, quyền hạn khác HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện nhưng HĐND cấp xã là cơ quan quyền lực nhà nước thấp nhất trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, đặt tại các xã nông thôn, phường, thị trấn trực tiếp tiếp xúc với Nhân dân là cầu nối giữa chính quyền với Nhân dân, lại có những nhiệm vụ, quyền hạn khác với HĐND cấp tỉnh, huyện.Vì vậy, HĐND cấp xã cần phải có những quy định riêng trong tổ chức của mình.

Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com