1. Giới thiệu tác giả

Sách “Hướng dẫn quản lý thủ tục, giấy tờ công dân thuộc phạm vi ngành công an- Cư trú, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân, xuất cảnh, nhập cảnh” do tác giả Nguyễn Khắc Oánh biên soạn.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Hướng dẫn quản lý thủ tục, giấy tờ công dân thuộc phạm vi ngành công an- Cư trú, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân, xuất cảnh, nhập cảnh

Hướng dẫn quản lý thủ tục, giấy tờ công dân thuộc phạm vi ngành công an- Cư trú, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân, xuất cảnh, nhập cảnh

Tác giả: Nguyễn Khắc Oánh

Nhà xuất bản Hồng Đức

3. Tổng quan nội dung sách

Ngày 30-10-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Cụ thể, Chính phủ thông qua phương án bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân; Thực hiện đơn giản hóa thủ tục cấp giấy xác nhận nhân sự của công dân Việt Nam ở nước ngoài; Về thủ tục Đăng ký tạm trú tại Công an cấp xã, Nghị quyết bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân…. Và theo đó, giao Bộ Công an căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, còn nhiều quy định mới khác như: Nghị định số 07/2017/NĐ-CP ngày 25-01-2017 Quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Thông tư số 64/2017/TT-BTC ngày 27-6-2017 hướng dẫn miễn lệ phí quốc tịch, lệ phí hộ tịch, đăng ký cư trú cho người được phép cư trú…; Thông tư số 331/2016/TT-BTC ngày 26-12-2016 sửa đổi, bổ sung quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân…

Nhằm kịp thời cung cấp những thông tin pháp luật mới nhất về công tác quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành công an, nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản cuốn sách: “Hướng dẫn quản lý thủ tục, giấy tờ công dân thuộc phạm vi ngành công an – Cư trú, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân, xuất cảnh, nhập cảnh” do tác giả Nguyễn Khắc Oánh biên soạn.

Cuốn sách được biên soạn gồm các phần chính như sau:

Phần I. Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi ngành công an;

Phần II. Luật cư trú (đã được sửa đổi, bổ sung) và hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú;

Phần III. Luật hộ tịch và văn bản hướng dẫn thi hành;

Phần IV. Luật căn cước công dân và công tác cấp, quản lý thẻ căn cước công dân;

Phần V. Hướng dẫn xuất cảnh, nhập cảnh của công dân việt nam và người nước ngoài tại việt Nam;

Phần VI. Hướng dẫn chi tiết về cấp, gia hạn hộ chiếu và cấp thị thực, cấp giấy phép xuất nhập cảnh;

Phần VII. Chế độ thu, nộp và quản lý phí, lệ phí liên quan đến quản lý dân cư.

4. Đánh giá bạn đọc

Tác giả đã hệ thống khá toàn diện văn bản pháp luật về cư trú, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân, xuất cảnh, nhập cảnh trong cuốn sách điều này sẽ thuận lợi cho bạn đọc trong việc tra cứu phục vụ học tập, nghiên cứu và thực hiện trong công tác thực tiễn.

Ưu điểm là cung cấp tới bạn đọc nhiều quy định pháp luật về cư trú, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân, xuất cảnh, nhập cảnh song cũng chính bởi cuốn sách chỉ đơn thuần là hệ thống văn bản pháp luật do đó ngoài mục đích phục vụ tra cứu sẽ không còn giá trị nào khác. Song, các quy định pháp luật Việt Nam theo thời gian cùng với sự vận động của hoàn cảnh kinh tế, xã hội thì các quy định pháp luật điều chỉnh cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để phù hợp hơn. Do đó, cho đến thời điểm hiện tại 2022, nhiều văn bản tác giả trích dẫn trong cuốn sách đã hết hiệu lực hoặc bị thay thế, đây chính là nhược điểm của những cuốn sách hệ thống quy định pháp luật đơn thuần.

Có thể kể đến một số đầu văn bản như:

– Luật cư trú đang có hiệu lực áp dụng hiện nay là Luật cư trú năm 2020

– Về căn cước công dân hiện đã có hướng dẫn mới tại Thông tư 59/2021/TT-BCA và Thông tư 60/2021/TT-BCA.

– Về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân việt nam và người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay áp dụng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019.

Dưới đây, Luật LVN Group chia sẻ một số điểm mới của Luật cư trú năm 2020 so với quy định cụ để bạn đọc tham khảo:

Bỏ nhiều nhóm thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu

Bởi theo Luật Cư trú này, từ ngày 01/7/2021 không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nên hàng loạt những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn được đề cập đến trong Luật này. Cụ thể:

– Tách sổ hộ khẩu. Thay vào đó sẽ cập nhật, điều chỉnh thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin này;

– Điều chỉnh thay đổi thông tin về cư trú: Rà soát, điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú… khi đủ điều kiện thì làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú…

Giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú

Bởi việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú sẽ nhanh hơn so với hiện nay. Cụ thể, khoản 3 Điều 22 Luật Cư trú 2020 quy định:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan đăng ký cơ trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; thông báo cho người đăng ký biết

Hiện nay, thời gian giải quyết thủ tục này đang quy định là 15 ngày (Căn cứ khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2006).

Bỏ điều kiện riêng khi nhập khẩu Hà Nội, TP. HCM

Trước đây, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Cư trú sửa đổi, công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, nếu đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên.

Riêng tại Hà Nội, theo Điều 19 Luật Thủ đô, nếu muốn đăng ký thường trú tại TP. Hà Nội thì còn phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 03 năm trở lên.

Tuy nhiên, một trong những quy định đáng chú ý khác của Luật Cư trú năm 2020 là xóa điều kiện riêng nêu trên khi muốn nhập khẩu các thành phố trực thuộc Trung ương (như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…).

Đồng nghĩa, công dân khi muốn đăng ký thường trú vào TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì không còn bị phân biệt về điều kiện mà được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc như quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2020:

– Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó;

– Khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và ngược lại… thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình…

Có thể thấy, quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong việc quản lý cư trú của mọi công dân.

Diện tích nhà thuê ít nhất 8m2/người mới được đăng ký thường trú

Đây là phương án được số đông đại biểu Quốc hội đồng ý về việc đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Cụ thể, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu không thấp hơn 08 m2 sàn/người.

Đồng thời, người này còn phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Kéo theo đó, trong hồ sơ đăng ký thường trú, phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú.

Ngoài ra, còn cần phải chuẩn bị:

– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

– Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật…

Sửa đổi đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình

Khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung quy định về hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế nêu tại Luật BHYT như sau:

Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú

Trong khi đó, quy định cũ đang định nghĩa hộ gia đình tham gia BHYT gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

Như vậy, từ ngày 01/7/2021 – ngày Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT đã thay đổi từ “toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú” sang “cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp”.

Khai báo tạm  vằng khi đi khỏi nơi thường trú 12 tháng 

Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú. So với quy định tại Luật Cư trú hiện nay, từ 01/7/2021, bổ sung thêm trường hợp công dân phải khai báo tạm vắng:

Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Như vậy, khi đi khỏi xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên mà không phải bị can, bị cáo đi khỏi nơi cư trú 01 ngày trở lên, người đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đi khỏi huyện từ 03 tháng liên tục trở lên… và chưa đăng ký tạm trú ở nơi ở mới hoặc không phải xuất cảnh ra nước ngoài thì phải khai báo tạm vắng.

Các đối tượng nêu trên có thể khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác.

Riêng người chưa thành niên khai báo tạm vắng thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Những đối tượng này phải khai báo tạm vắng với nội dung gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến.

5. Kết luận

Với những ưu và nhược điểm được nêu trong phần đánh giá bạn đọc, Luật LVN Group khuyến nghị bạn đọc khia sử dụng cuốn sách này với mục đích tra cứu thì cần kiểm tra lại hiệu lực của quy định được viện dẫn để đảm bảo sẽ lựa chọn và áp dụng đúng quy định đang có hiệu lực.

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!

Nếu bạn có khó khăn trong việc tra cứu hiệu lực văn bản hay quy định pháp luật trong lĩnh vực nào đó, hãy liên hệ tổng đài 1900.0191 của Luật LVN Group, chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp chính xác và nhanh chóng nhất giúp bạn!