Tôi ký hợp đồng với công ty với thời hạn 12 tháng nhưng đến tháng thứ 7 thì tôi mang thang cần hạn chế đi lại. Vậy tôi có thể đơn phương chấm dứt hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng không?
Câu hỏi:
Tôi ký hợp đồng lao động 12 tháng với một công ty sản xuất các loại bao bì. Tuy nhiên khi làm việc được 7 tháng thì tôi có thai. Khi đi khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh thì bác sĩ thông báo tình trạng sức khỏe của tôi rất yếu, không được đi lại nhiều trong vòng 4 tháng đầu và 3 tháng cuối vì rất dễ ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy tôi xin hỏi là pháp luật quy định những trường hợp nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và nếu tôi vẫn có nguyện vọng đi làm sau này thì có thể xin nghỉ đến khi nào sinh con và sức khỏe ổn định thì đi làm không?
Trả lời:
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Căn cứ theo điều 35 Bộ luật lao động 2019 quy định về những trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Như vậy, dựa theo những quy định trên của Bộ luật lao động, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động để nghỉ thai sản nếu có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
Trong trường hợp cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ với Luật sư của Công ty Luật LVN Group qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT 1900.0191 để được tư vấn.